Mèo Vạc giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động
BHG - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững; những năm qua, huyện Mèo Vạc tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh XKLĐ, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho lao động đi làm việc tại huyện Phú Ninh (Trung Quốc). |
Đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Sảm và bà Lương Thị Dốm, thôn Bản Tồng, xã Niêm Sơn; trước đây, 2 người con của ông, bà chưa đi làm, gia đình rất khó khăn. Cuối năm 2016, được tuyên truyền, ông động viên 2 con đi làm việc tại huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” giữa huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh; giờ mỗi tháng 2 con gửi về khoảng 25 – 30 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Sảm, chia sẻ: Nhờ tiền 2 con gửi về, cuộc sống đã khấm khá hơn, cuối năm nay, gia đình sẽ sửa lại ngôi nhà. Được biết, Niêm Sơn là một trong những xã đi đầu về XKLĐ, giải quyết việc làm của huyện Mèo Vạc. Với trên 500 lao động được giải quyết việc làm, trong đó, số lao động đăng ký làm việc tại các doanh nghiệp theo hợp tác quản lý lao động giữa huyện Mèo Vạc và huyện Phú Ninh 104 người. Bình quân mỗi lao động gửi về gia đình khoảng từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.
Mèo Vạc hiện có trên 7.200 người đi lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó, trên 1.000 lao động làm việc tại huyện Phú Ninh. Để tiếp tục đẩy mạnh XKLĐ, giải quyết việc làm, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân tham gia. Trưởng phòng Lao động, TB&XH huyện Mèo Vạc Nguyễn Thị Sơn, cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác XKLĐ; huyện còn chú trọng thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với lao động, như: Trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người lao động về chi phí đi lại, khám sức khỏe tổ chức các cuộc hội nghị gặp mặt lao động vào cuối năm…
Tuy nhiên, công tác XKLĐ hiện cũng gặp khó khăn, như: Lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, việc tiếp thu kiến thức từ các chương trình đào tạo còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, các ngành, địa phương cần tăng cường liên kết đào tạo nghề cho người lao động qua đó sẽ góp phần nâng thu nhập.
Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc