Kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

07:55, 05/07/2019

BHG - Giai đoạn 2016-2018, tổng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giao thực hiện trên địa bàn tỉnh gần 1.271 tỷ đồng nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Qua đó, đời sống các hộ nghèo ngày càng được nâng lên, từng bước thoát nghèo bền vững.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực  làm đường giao thông nông thôn.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Là (Đồng Văn) được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bộ máy chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được thành lập và kiện toàn, hoạt động hiệu quả; đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác phối hợp của thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) các cấp, ngành đi vào nề nếp; các ngành phát huy tốt vai trò tham mưu cho BCĐ trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. Công tác quản lý nguồn vốn được các cấp, ngành thực hiện đúng quy định, sát với thực tiễn; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách, quản lý đầu tư công và sử dụng nguồn lực được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch; tạo đồng thuận, thống nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, không để xảy ra tình trạng chậm giải ngân.

Với tổng vốn kế hoạch chương trình giao gần 1.271 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển 868,79 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 402,13 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ cho các tiểu dự án, hợp phần, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Qua đó, đời sống các hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững. Trong 3 năm, toàn tỉnh giảm 18.230 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,09 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51%; tỷ lệ người dân có thẻ Bảo hiểm y tế đạt 98,5%; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; 1.128 hộ/3.600 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 91% dân số thành thị được sử dụng nước sạch; 81,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm…

                     Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Là (Đồng Văn) được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực làm đường giao thông nông thôn.

Cùng với đó, việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các công trình cơ sở hạ tầng đã đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến đời sống của nhân dân, giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại, khám, chữa bệnh, học hành; tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng, các xã trong khu vực. Công tác xoá đói, giảm nghèo tiếp tục được các cấp, ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, các chính sách được triển khai đồng bộ dành cho hộ nghèo, người nghèo vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, bình quân giảm 4 - 5%/năm.

Có thể khẳng định, các chính sách, dự án được triển khai lồng ghép với các chương trình phát triển KT-XH, đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; nhận thức, năng lực, trách nhiệm về giảm nghèo được nâng cao, tạo được phong trào giảm nghèo sôi động trên địa bàn toàn tỉnh, có những bước đột phá quan trọng nhất là mục tiêu giảm nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng, nhờ làm tốt công tác xã hội hoá trong giảm nghèo, nội lực được khai thác, sức dân được huy động xây dựng các công trình phục vụ dân sinh; số người nghèo được thụ hưởng các thành quả KT – XH ngày càng nhiều, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2018 còn bộc lộ hạn chế, như: Ngân sách T.Ư giao cho tỉnh rất hạn hẹp; việc phân bổ và giao vốn thực hiện các chương trình không đảm bảo theo nhu cầu; nguồn vốn để thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách T.Ư cấp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh rất lớn. Đời sống nhân dân tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thu nhập bình quân còn thấp; số hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tính đến cuối năm 2018 còn 56.083 hộ, chiếm tỷ lệ 31,17%. Từ thực trạng trên, rất cần T.Ư, tỉnh có giải pháp huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả việc đầu tư cở sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ rừng và tạo việc làm cho người dân.

Bài, ảnh:  VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động

BHG - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững; những năm qua, huyện Mèo Vạc tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh XKLĐ, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Sảm và bà Lương Thị Dốm, thôn Bản Tồng, xã Niêm Sơn; trước đây, 2 người con của ông,

04/07/2019
Thầy giáo tiểu học khởi nghiệp từ mô hình homestay

BHG - Những năm gần đây, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) được du khách trong nước và quốc tế biết đến như một địa chỉ du lịch mới, với khung cảnh ruộng bậc thang hùng vĩ, không khí trong lành, nét văn hóa truyền thống độc đáo và sự thân thiện, lòng mến khách nồng hậu của người dân. Lượng khách đến Bản Phùng tăng lên theo từng năm là tiền đề để các dịch vụ du lịch phát triển. Nhận diện được cơ hội, thầy giáo Phạm Đức Hiếu đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình homestay.

 

04/07/2019
Quy định mức bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

BHG - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 16/2019/QĐ-UBND, ngày 26.6.2019 về mức bồi thường thiệt hại nhà ở, công trình xây dựng khác gắn liền đất và di chuyển mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; áp dụng đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

04/07/2019
Những con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm ở Quản Bạ

BHG - Làm đường bê tông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), nhằm hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT - XH. Thời gian qua, bằng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, huyện Quản Bạ đã phát huy nội lực, hoàn thành nhiều tuyến đường bê tông, đem lại diện mạo mới cho nông thôn vùng cao.

 

04/07/2019