Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch tả lợn châu Phi
BHG - Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 3 huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp. Để kịp thời thông tin đến bạn đọc về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống và những khuyến cáo của ngành chức năng, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.
Phóng viên: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, đồng chí có thể cung cấp rõ hơn thông tin về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Đỗ Tấn Sơn: Từ ngày 20 – 23.5, dịch tả lợn châu Phi đã liên tiếp xuất hiện ở các hộ chăn nuôi thuộc thôn Vén, xã Tân Trịnh (Quang Bình), thôn Cào, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) và thôn Hợp Thành, xã Đạo Đức (Vị Xuyên); tổng số lợn phải tiêu hủy trên 80 con, trọng lượng trên 3.000 kg. Bệnh dịch đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh và có khả năng lan ra diện rộng.
Phóng viên: Vậy, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang triển khai ngăn chặn, dập dịch như thế nào?
Đ/c Đỗ Tấn Sơn: Ngay khi dịch xuất hiện ở nước ta, thực hiện chỉ đạo của T.Ư; UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người dân khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, phương án hành động, ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn; trong đó, hướng dẫn cụ thể các bước xử lý theo từng tình huống khi có dịch bệnh xảy ra. Ngay khi dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp - PTNT đã trực tiếp đến địa bàn chỉ đạo công tác khoanh vùng, dập dịch, xử lý ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh; ban hành văn bản triển khai cấp bách các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh; cung ứng khẩn cấp trên 300 lít hóa chất, máy phun tự động cho các địa phương dập dịch và cử cán bộ chuyên môn trực tiếp tham gia chống dịch. Các địa phương có dịch tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tất cả khu vực dịch, các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch. Thành lập các chốt kiểm dịch động vật; nghiêm cấm vận chuyển lợn ra vào vùng dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn; không cho nhập vào địa bàn lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không đầy đủ giấy tờ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiến hành rà soát, thống kê đàn lợn; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn, triển khai hỗ trợ kịp thời, minh bạch chế độ chính sách cho người dân bị thiệt hại theo quy định.
Cán bộ Thú y huyện Hoàng Su Phì phun hóa chất phòng dịch tại các khu vực buôn bán thịt lợn trên địa bàn. Ảnh: PHI ANH |
Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của chính quyền các cấp và người dân?
Đ/c Đỗ Tấn Sơn: Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và chủ động triển khai các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Chính quyền một số xã chưa thực sự vào cuộc; một số người dân chưa hiểu hoặc hiểu sai về dịch tả lợn châu Phi nên chưa chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh; chưa kịp thời trong việc huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tiến hành tiêu hủy, tìm địa điểm tiêu hủy, khoanh vùng, dập dịch và khó khăn về kinh phí…
Phóng viên: Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, đồng chí có khuyến cáo gì đối với chính quyền địa phương và người dân?
Đ/c: Đỗ Tấn Sơn: Trước hết, đối với chính quyền địa phương, cần chủ động quyết liệt; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm phòng, chống, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thiết thực, cụ thể để người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến dịch bệnh. Còn người chăn nuôi, phải bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng; thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh, gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Thường xuyên phun hóa chất tiêu độc, khử trùng; yên tâm chăn nuôi, không bán tháo đàn khi lợn chưa đến tuổi xuất chuồng. Đối với người dân, tôi xin khẳng định, vi rút dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người. Hiện nay, công tác ngăn chặn, khống chế dịch bệnh đang được các cấp, ngành triển khai nghiêm ngặt, giá thịt lợn trên thị trường chưa có nhiều biến động; người dân không hoang mang, lo lắng, không quay lưng với thịt lợn; cùng chung tay với chính quyền địa phương và người chăn nuôi ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
BIỆN LUÂN (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc