Hoàng Su Phì từng bước nâng cao giá trị cây Mận máu
BHG - Những vườn Mận máu trĩu quả là hình ảnh nổi bật, đặc trưng của Hoàng Su Phì sau mùa gặt. Giờ đây, Mận máu đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân các xã Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Bản Máy… có nguồn thu nhập khá, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cây Mận máu xã Chiến Phố sai trĩu quả. |
Vụ mận năm trước, huyện Hoàng Su Phì có trên 130 ha, trong đó hơn 66 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 600 tấn quả, giá bán bình quân trên 20 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt trên 12 tỷ đồng.
Từ những con số ấn tượng trên, chúng tôi tìm về Chiến Phố – một trong những xã trồng Mận máu nổi tiếng với quả to, giòn, thơm, ngọt nhất huyện. Mận máu thường chín vào đầu tháng 6, kéo dài đến giữa tháng 7. Cùng đi thực tế các vườn Mận máu, Chủ tịch UBND xã Chiến Phố Lù Seo Sang cho biết: Địa phương hiện có gần 60 ha Mận máu, tập trung nhiều nhất tại 2 thôn Nhìu Sang và Suôi Thầu. Năm nay “mưa thuận, gió hòa” cây nào cũng trĩu quả, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Còn tháng nữa mới đến mùa quả chín, nhưng các thương lái trong và ngoài tỉnh đã gõ cửa từng nhà, đặt mua cả vườn.
Cây Mận máu rất dễ trồng. Vào mùa mưa, chỉ cần đào cây con trong vườn, cuốc hố vừa phải, đặt cây giống xuống, lấp chặt đất vào gốc, cây sẽ vươn lên, sau 3 - 4 năm bắt đầu cho quả. Mận không kén đất, trồng bất cứ chỗ nào trong vườn nó cũng sống khỏe và cho quả ngọt. Anh Giàng Chẩn Sấn, thôn Nhìu Sang cho biết: Khi biết chủ trương của huyện và nhất là thị trường tiêu thụ được mở rộng nên gia đình và bà con trong thôn đều tận dụng các khu đất trống, đất nương trồng ngô kém năng suất để nhân rộng diện tích mận. Giống Mận máu bản địa sức chống chọi thiên tai và sâu bệnh rất tốt; một năm chỉ cần phát cỏ 2 lần, bón phân chuồng một lần, không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế từ cây Mận máu bản địa, huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT khảo sát, đánh giá, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể như: Từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cho cây Mận máu làm công cụ nhận diện, tiếp cận thị trường trong, ngoài tỉnh; tổ chức lại sản xuất và thương mại hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, chế biến và nông dân. Hướng đi này hứa hẹn trong tương lai gần, cây Mận máu Hoàng Su Phì sẽ phát triển hơn nữa, đem lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nơi đây.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc