Mèo Vạc tháo gỡ khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới

08:27, 09/05/2018

BHG - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã giúp cho bộ mặt nông thôn ở Mèo Vạc thêm tươi mới. Không chỉ có những con đường mới mở vượt núi, những tuyến đường nội thôn được bê-tông hóa mà còn có những mô hình kinh tế hiệu quả đang mang đến cho đồng bào biên cương cuộc sống ấm no.

Việc chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi đã giúp người dân thị trấn Mèo Vạc nâng cao đời sống.
Việc chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi đã giúp người dân thị trấn Mèo Vạc nâng cao đời sống.

Xuất phát điểm với nền kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, nội lực trong nhân dân hạn chế; nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, Mèo Vạc đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Đó cũng là nguyên nhân chính, khiến cho địa phương sau nhiều năm chưa có xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, với sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của nhân dân đã giúp cho bộ mặt nông thôn ở địa phương có nhiều khởi sắc. Nhận diện rõ những yếu tố cản trở phát triển kinh tế của người dân, Mèo Vạc đã tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ rõ những việc người dân cần làm và  xác định “dễ làm trước, khó làm sau”; với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhằm tạo sự đồng thuận, địa phương đã biết cách vận động nhân dân trực tiếp tham gia, làm chủ thể trong xây dựng NTM. Qua việc để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã giúp cho các xã huy động sức dân bằng việc đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường, xây dựng trường, lớp học…

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Với mục tiêu tháo gỡ rào cản trong phát triển KT – XH và tránh dàn trải trong quá trình đầu tư, huyện đã lồng ghép nguồn lực, tập trung hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, gắn với việc tổ chức lại sản xuất cho nhân dân. Để tạo sự đồng bộ trong quá trình triển khai, các xã trên địa bàn đã tiến hành quy hoạch xây dựng NTM, trong đó, chủ yếu thực hiện quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng giao thông nông thôn, phát triển sản xuất khu dân cư nông thôn. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, KT – XH, AN – QP và tập quán sinh hoạt từng vùng. Triển khai rà soát các điểm quy hoạch để điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng KT – XH môi trường nông thôn, đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn các xã.

Được biết trong năm 2017, thông qua thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi-măng, nguồn vốn đầu tư phát triển, Mèo Vạc đã tổ chức thi công được trên 24,8 km đường trục thôn, liên thôn. Địa phương tổ chức 28 lượt ra quân chung sức xây dựng NTM với 3.500 người tham gia; quyên góp được 108 triệu đồng; huy động người dân hiến trên 26.700 m2 đất; đóng góp trên 11 nghìn ngày công; mở mới trên 13 km và nâng cấp trên 48 km đường trục thôn, liên thôn. Trong số các tiêu chí xây dựng NTM, Mèo Vạc xác định tiêu chí thu nhập của người dân là khó khăn nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, huyện đã đẩy mạnh triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hỗ trợ chuyển đổi 50 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hoá; hỗ trợ 5 gia trại chăn nuôi với quy mô 50 con lợn thịt và lợn nái sinh sản; thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 404 con gia súc. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức đào tạo nghề, mở lớp hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt cho trên 1.500 học viên; lồng ghép với các buổi họp thôn để tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho trên 15.550 lượt người; tiến hành trồng khảo nghiệm các mô hình giống ngô mới. Qua đó, giúp người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; từng bước nâng cao thu nhập. Ngoài ra, huyện hỗ trợ cho các xã phát triển một số sản phẩm hàng hoá như: Gạo Khẩu mang, DS1; các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, thịt bò khô, dệt may mặc... Từ các giải pháp đồng bộ, đến nay, Mèo Vạc có 3 xã đạt 9/19 tiêu chí; 4 xã đạt 8 tiêu chí; 7 xã đạt 7 tiêu chí; 2 xã đạt 6 tiêu chí và chỉ còn 1 xã đạt 5 tiêu chí xây dựng NTM...

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo hướng phát triển bền vững cho người dân, Mèo Vạc phấn đấu trong năm 2018, có 4 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 13 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; thu nhập bình quân toàn huyện đạt 16,27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6%/năm; tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm Y tế đạt trên 98%. Để hoàn thành mục tiêu đó, địa phương đang tranh thủ nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trên cơ sở ưu tiên cho các xã điểm xây dựng NTM; áp dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo; đẩy mạnh công tác thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung vào thế mạnh của địa phương để sản xuất theo quy mô hàng hóa... Với sự quyết liệt cùng những giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược chắc chắn sẽ giúp Mèo Vạc tạo nên bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn mở rộng diện tích trồng rau Bắp cải trái vụ

BHG - Những năm qua, huyện Đồng Văn đã có nhiều giải pháp, cách làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trong đó có việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô, trồng lúa nhưng thiếu nước sản xuất sang trồng rau Bắp cải trái vụ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

 

09/05/2018
Chàng trai Quảng Bình khởi nghiệp trên đất Hà Giang

BHG - Sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nắng gió Lệ Thủy (Quảng Bình), nhưng anh Nguyễn Văn Trãi (sinh 1988) lại lựa chọn Hà Giang để lập nghiệp. Hiện, anh đang là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Du lịch và Thương mại Hà Giang Trẻ, chuyên cung cấp dịch vụ du lịch Hà Giang chuyên sâu. Nhờ sự tâm huyết, uy tín, công ty của anh đang từng bước trở thành đơn vị lữ hành được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước biết đến và lựa chọn khi khám phá Hà Giang.

 

08/05/2018
Kinh tế tư nhân thêm cơ hội... "cất cánh" - Kỳ 2: Nhận diện và tháo "rào cản"

BHG - Trong rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế khu vực tư nhân, có 3 yếu tố chính, tác động lớn nhất gồm: Vướng mắc về đất, thủ tục hành chính và nguồn vốn. Những "rào cản" trên sớm được tỉnh ta nhận diện, từ đó có nhiều cách làm phù hợp, tháo gỡ hiệu quả khó khăn, tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển, từng bước đưa mảnh đất cực Bắc Tổ quốc thoát nghèo bền vững. Mặc dù được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, nhưng việc phát triển doanh nghiệp, kinh tế khu vực tư nhân vẫn còn nhiều hạnh chế; trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn, số lượng còn thấp so với các địa phương trong khu vực, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh chưa cao...

 

08/05/2018
Xã Thượng Sơn phát triển kinh tế bền vững

BHG - Địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thiếu điện sinh hoạt… là những vấn đề bà con xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên phải đối mặt. Từ một xã khó khăn về mọi mặt, Thượng Sơn đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ từ những mô hình phát triển kinh tế theo hướng Hợp tác xã (HTX) và Tổ, Nhóm cùng sở thích. Đến với Thượng Sơn những ngày này, mới thấy không khí tất bật sản xuất của bà con. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước, chính quyền xã đã vận động bà con tham gia các tổ, đội sản xuất và bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

 

08/05/2018