Hiệu quả Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện ở Thượng Phùng
BHG - Với đặc thù là xã biên giới, địa hình chia cắt; xã Thượng Phùng lâu nay luôn được xem là một trong những địa bàn khó khăn bậc nhất ở huyện Mèo Vạc. Tuy nhiên, sau khi Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được triển khai đã mang lại cho Thượng Phùng bộ mặt nông thôn đổi mới, giúp cuộc sống người dân nơi đây vơi đi bớt nhọc nhằn.
Người dân xã Thượng Phùng góp ngày công làm đường bê – tông nội thôn. |
Chắc hẳn những ai đã từng đến Thượng Phùng đều có thể cảm nhận được cái “khó” đeo bám cuộc sống người dân nơi biên cương suốt bao năm qua. Không chỉ là những con đường đất nhầy nhụa mỗi khi trời mưa, hay cái rét như cắt thịt mỗi mùa Đông về, mà đó còn là địa hình chia cắt, đất đai có độ dốc lớn, gây khó khăn trong sản xuất; người dân nơi đây thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, hạn hán... Để tìm hướng phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân; cấp ủy, chính quyền xã Thượng Phùng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương. Đặc biệt, Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK đã tạo “đòn bẩy” giúp cho địa phương hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng. Để thực hiện hiệu quả Đề án, xã đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT – XH và xây dựng Nông thôn mới. Chủ động lồng ghép các nguồn vốn, hướng dẫn nhân dẫn các thôn lập kế hoạch sản xuất hàng năm. Xác định lợi thế của từng thôn, xã đã định hướng cho nhân dân phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để tạo thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, xã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án đến nhân dân trên hệ thống loa truyền thanh và lồng ghép vào các buổi họp thôn. Đổi mới công tác phân công nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể xã theo hướng chuyên sâu từng lĩnh vực; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.
Đồng chí Nông Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng cho biết: Để đưa các nội dung của Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK vào cuộc sống, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Nông thôn mới và Ban Phát triển thôn… Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú về các cơ chế, chính sách, nội dung, mục tiêu của Đề án để người dân nắm rõ và triển khai thực hiện. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể xã tích cực triển khai các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”; vận động các hộ chỉnh trang khuôn viên, làm hàng rào cây xanh, cải tạo vườn tạp. Với sự vào cuộc quyết liệt đã tạo thành phong trào rộng khắp, xuất hiện nhiều cách làm hay, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương như: Huy động sức dân mở mới, tu sửa đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân tự đóng góp tiền kéo điện về thôn, thuê máy làm đường...
Sau quá trình triển khai Đề án, xã đã huy động nguồn lực nâng cấp, mở mới gần 9 km đường trục thôn; đổ bê-tông trên 5 km đường giao thông; kiên cố hóa gần 2 km kênh mương; xây dựng nhà văn hóa xã, nhà bán trú học sinh; xây 11 điểm trường ghép Mầm non và Tiểu học. Đến nay, đường giao thông từ trung tâm huyện đến xã đã được trải nhựa; cơ bản các thôn có đường giao thông rộng từ 3,5 - 4,8 m; 10/13 thôn có điện lưới Quốc gia. Bên cạnh đó, xã huy động được trên 500 triệu đồng làm Quỹ phát triển thôn và giải ngân cho các hộ vay mua bò sinh sản, mua dê và nuôi ong. Thành lập Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp tổng hợp, các Tổ hợp tác, Nhóm sở thích nuôi bò, dê với trên 160 thành viên tham gia và triển khai mô hình nuôi dê theo hình thức đầu tư có thu hồi... Đặc biệt, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh; chuyển đổi diện tích đất trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi. Để đảm bảo cho người dân yên tâm phát triển kinh tế, xã đã tiến hành quy tụ 48 hộ về sống tập trung... Bên cạnh đó, các đơn vị trường học đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, đến lớp nên tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn duy trì ở mức cao. Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được quan tâm thực hiện; công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày một nâng cao; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư; nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm mạnh; nếp sống văn hóa ở khu dân cư được duy trì; AN – QP được giữ vững…
“Trên cơ sở kết quả đạt được của Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK, xã tiếp tục xác định lợi thế của từng thôn để sản xuất các sản phẩm có thế mạnh, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững của địa phương. Xây dựng các mô hình sản xuất theo quy mô nhóm hộ theo hướng hàng hóa với số lượng lớn, đúng quy trình, kỹ thuật mới và theo các chuỗi giá trị...” – Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng, Nông Văn Phương cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc