Bảo tồn cây chè cổ thụ ở thôn Phiêng Luông
BHG - Có tuổi đời trên 100 năm, những cây chè cổ thụ tại thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông (Bắc Mê) thân to, cao 5 - 6 m, rất quý. Tuy nhiên, do người dân chưa biết cách chăm sóc đúng quy trình nên vườn chè cổ đang ngày một lụi tàn, cả thôn hiện chỉ còn hơn 100 cây.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ còn sót lại ở thôn Phiêng Luông. |
Thôn Phiêng Luông có khí hậu quanh năm mát mẻ, đất tơi xốp, rất thích hợp phát triển cây chè. Mọc giữa rừng sâu, bên cạnh dòng suối mát đã giúp cây chè phát triển tốt, hương thơm, nước chè xanh, vị ngọt, đắng hòa quyện, rất quyến rũ... Thế nhưng, đối với người dân thôn Phiêng Luông, chè cổ thụ hiện chỉ có giá trị tạo bóng mát cho đồng bào ngồi nghỉ mỗi khi đi làm nương.
Vườn chè cổ thụ cách trung tâm xã Phiêng Luông hơn 10 km và mất thêm 30 phút đi bộ dọc bờ suối mới tới. Vườn chè cổ nằm trọn ở một thung lũng, có dòng suối chảy qua và được rừng già bao bọc. “Từ khi chúng tôi tới đây, vườn chè đã có rồi, trước nhiều lắm, một số người dân hái về uống, một phần bán ngoài chợ. Nhưng sau này, nhiều hộ đã chặt bỏ chè cổ thụ, lấy đất trồng ngô. Những cây chè còn lại chủ yếu lấy bóng mát và một năm thu hái một lần vào mùa Xuân...”, anh Cử Mí Lúa, người dân làm nương tại đây cho biết.
Đánh giá về chất lượng và tiềm năng của cây chè, anh Thiều Sỹ Hồng, cán bộ phụ trách nông, lâm nghiệp của xã cho biết: “Chè cổ thụ tại đây được sinh trưởng ở nơi khí hậu lạnh, là giống chè Shan tuyết cổ nên chất lượng tốt, vị đậm và thơm. Nhưng do bà con chưa nhận thấy giá trị và thiếu kinh nghiệm chăm sóc, thu hái, chế biến chè nên năng suất, chất lượng giảm. Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã nhiều lần xuống kiểm tra, lấy mẫu, nhân giống chè, nhưng không khả dụng”.
Chủ tịch UBND xã Phiêng Luông, Sùng Mí Nhù trăn trở: “Điều đầu tiên cần thực hiện đó là tìm đầu ra cho sản phẩm, sau đó khôi phục, phát triển và nhân rộng giống chè cổ; tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về cách trồng, chăm sóc... Nhưng cái khó nhất vẫn là cho bà con thấy được lợi ích, tự chủ động đưa cây chè vào chương trình phát triển kinh tế, như vậy những cây chè cổ mới có thể duy trì và phát triển...”.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc