Hà Giang

"Nhịp sống mới" ở Ma Lỳ Sán

09:23, 03/05/2018

BHG - Từ lâu, thôn Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ được nhiều người biết đến là vùng đất khó khăn thuộc diện bậc nhất của huyện Xín Mần. Các hộ dân ở đây luôn phải sống trong cảnh thiếu  thốn đủ đường: Không điện, không đường, không trạm xá, không trường học. Nhưng, sau gần 7 năm thực hiện điểm quy tụ dân cư biên giới và mở thí điểm chợ biên giới khu vực lối mòn Mốc 172 đã mang đến nhịp sống mới nơi cuối nguồn sông Chảy.

Nhộn nhịp cảnh người dân đi chợ trao đổi hàng hóa ở chợ Mốc 172 Ma Lỳ Sán.
Nhộn nhịp cảnh người dân đi chợ trao đổi hàng hóa ở chợ Mốc 172 Ma Lỳ Sán.

Trước đây, vùng đất “thâm sơn cùng cốc” Ma Lỳ Sán ít được quan tâm đầu tư do đường xá đi lại quá khó khăn, nên người dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn. Từ chuyện thiếu nước sinh hoạt đến việc các gia đình đẻ nhiều hay trẻ con không đi học là cảnh thường thấy ở thôn biên giới này. Trong thôn, người dân sống ở hai xóm trên và dưới. Người ở xóm dưới chân núi muốn lên xóm trên ở lưng chừng núi cũng phải mất vài giờ đi bộ. Những ngày mưa, Ma Lỳ Sán gần như bị cô lập vì ít ai dám đi lại do sợ đá lăn. Với quyết tâm nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới, năm 2011, BTV Huyện ủy Xín Mần đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo toàn diện việc thực hiện quy tụ điểm dân cư biên giới; thiết kế quy hoạch, san ủi mặt bằng, xây dựng điểm trường, trụ sở thôn kiêm nhà văn hóa; đầu tư hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông và các gian hàng chợ Mốc 172 để đồng bào yên tâm làm ăn sinh sống, bám đất, bám làng.

Hầu hết các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống được bày bán tại chợ Mốc 172 Ma Lỳ Sán.
Hầu hết các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống được bày bán tại chợ Mốc 172 Ma Lỳ Sán.

Đồng chí Lù Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ cho biết: Thôn Ma Lỳ Sán có 29 hộ, nằm cách trung tâm xã Pà Vầy Sủ 9 km và trung tâm huyện Xín Mần hơn 29 km. Sau khi được đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống của các hộ dân nơi đây đã giảm bớt khó khăn. Hiện, Mốc 172 có hai trục đường chính, một đường bê-tông chạy qua các thôn Ma Lỳ Sán, Khấu Sỉn dài 8 km đến trung tâm xã Pà Vầy Sủ và đi ra trung tâm huyện Xín Mần; một đường nhựa nối sang xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đi đến trung tâm huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và kết nối với đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội. Từ khi cơ sở hạ tầng được đầu tư đã mang đến Ma Lỳ Sán một “làn gió mới”, giúp người dân dần thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói, nghèo. Đặc biệt, khi mở thí điểm chợ Mốc 172, “nhịp sống” nơi đây đã trở nên sôi động; người dân dễ dàng bán các mặt hàng nông sản, đời sống được nâng cao. Có dịp đến chợ Mốc 172 đúng ngày phiên chợ chính mới thấy hết sự nhộn nhịp ở vùng đất xa xôi nhất huyện Xín Mần này. Hầu hết các nhu yếu phẩm thiết yếu cũng như các loại nông sản, dụng cụ sản xuất đều được bày bán tại phiên chợ. Được biết, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa tại chợ khá ổn định với gần 150 gian hàng; lưu lượng người đến chợ chính phiên (thứ Sáu hàng tuần) đạt từ 500 – 800 người. Điều đáng nói, ngoài phiên chợ chính, chợ Mốc 172 luôn duy trì hoạt động buôn bán trong các ngày thường với lưu lượng người tham gia đạt từ 100 – 150 người.

Đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Nhận thấy tiềm năng về phát triển kinh tế biên mậu ở Ma Lỳ Sán, huyện đã tiến hành quy hoạch xây dựng chợ biên giới khu vực Mốc 172. Phạm vi quy hoạch trên 1,2 ha với trục không gian trung tâm chợ bao gồm các gian hàng kèm theo các hạng mục phụ trợ dọc hai bên đường. Theo đó, đường trục chính rộng 9 m, dài 245 m, gồm các khu vực: Khu kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện hàng hóa xuất, nhập qua biên giới; khu kho bãi tập kết hàng chờ xuất, nhập khẩu; khu dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ và bãi đỗ xe. Với việc cân đối các nguồn lực, năm 2017, huyện đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trạm Biên phòng xã Pà Vầy Sủ đặt tại Mốc 172; tiến hành san tạo mặt bằng, lắp dựng nhà trạm và các khu vực phụ trợ. Tuy nhiên, thực hiện theo Chương trình trọng tâm của tỉnh về phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP – AN trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Các lối mòn có khả năng phát triển thành lối mở đã được đầu tư kết cấu hạ tầng như: Đường giao thông, chợ biên giới; nhưng chưa đồng bộ, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư. Hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; chủ yếu trao đổi theo nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới qua hệ thống chợ. Phát triển kinh tế biên mậu chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực biên giới còn cao, dân cư sống rải rác. Chưa tạo được nhiều công ăn, việc làm cho dân cư khu vực biên giới với mức thu nhập ổn định; dẫn đến tình trạng nhân dân đi lao động, làm thuê tự do với số lượng lớn. Tập quán canh tác của các xã biên giới còn mang tính nhỏ lẻ, các sản phẩm sản xuất có giá trị thấp, chủng loại hàng hóa ít phong phú. Nguồn lực tại chỗ thấp, việc đầu tư mạng lưới chợ biên giới, hạ tầng lối mở đều phụ thuộc vào nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước…

Chợ Mốc 172 được coi là đầu mối giao thương giữa huyện Xín Mần với huyện Si Ma Cai (Lào Cai) và trấn Kim Xưởng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với “nhịp sống mới” như hiện nay, tin rằng, sau khi được mở rộng và đầu tư xây dựng các hạng mục, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa, buôn bán, giao lưu của người dân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới Ma Lỳ Sán.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo sinh kế cho người dân từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Hoàng Su Phì – mảnh đất miền Tây đầy nắng, gió của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ngoài danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ, nơi đây còn có những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những đỉnh núi cao trên 2 nghìn m so với mực nước biển và nhiều cung đường hiểm trở, thuận tiện cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Những yếu tố đó đã, đang trở thành lợi thế riêng, giúp địa phương mở hướng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo sinh kế cho người dân.

 

30/04/2018
Nỗ lực triển khai nhiệm vụ thu thuế xuất, nhập khẩu

BHG - Theo kế hoạch, năm 2018, Cục Hải quan được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu 230 tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn Hà Giang và Tuyên Quang. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, ngay từ đầu năm, Cục đã xây dựng và triển khai chương trình công tác trọng tâm; kế hoạch cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; tích cực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

30/04/2018
Hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ Phụ nữ tiểu thương chợ Ngọc Hà

BHG - Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng ủy phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Ngọc Hà đã thực hiện tốt các phong trào thi đua, các mô hình và câu lạc bộ, tổ, nhóm trên địa bàn, gắn liền với quyền lợi, trách nhiệm của hội viên (HV), phụ nữ. Trong đó, phải kể đến mô hình Tổ Phụ nữ tiểu thương (PNTT) chợ Ngọc Hà là mô hình tiêu biểu đã và đang khơi dậy tinh thần lao động cần cù, đoàn kết, nâng cao đạo đức kinh doanh của chị em HV.

 

30/04/2018
Người đảng viên dám nghĩ, dám làm

BHG - Đến thăm trang trại của anh Hà Ngọc Dân, sinh năm 1990, trú thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), khi anh đang chuẩn bị cỏ cho đàn bò. Anh Dân vui vẻ chào khách và mời vào nhà, đồng thời cũng luôn tay tranh thủ chuyển nốt cỏ vào khu chuồng bò. Người dân thôn Bảo An nhận xét, anh Dân là một đảng viên trẻ, luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động Đoàn, công tác xã hội ở địa phương, đồng thời mạnh dạn vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi bò sinh sản, lợn, gà. Tạm dừng công việc đang làm, qua trò chuyện, tôi được biết anh Hà Ngọc Dân là một đảng viên năng động. Anh được kết nạp đảng vào năm 2012. 

30/04/2018