Tiếp thêm nguồn lực giúp người dân thoát nghèo

17:34, 28/02/2018

BHG - Trong năm nay, nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục dành hơn 1.356 tỷ đồng thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh với mong muốn: Giảm thêm từ 7.511 hộ nghèo trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,2%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm trên 6%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới… Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng, nhưng để thoát nghèo, mỗi người dân, mỗi gia đình cần nỗ lực, biến ý chí, quyết tâm thoát nghèo thành hành động cụ thể.

Gia đình anh Phàn Văn Canh, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) thoát nghèo từ chăn nuôi trâu hàng hóa.
Gia đình anh Phàn Văn Canh, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) thoát nghèo từ chăn nuôi trâu hàng hóa.

Không khuất phục đói nghèo

Nằm ở cuối thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình), gia đình anh Phàn Văn Canh đang sở hữu đàn trâu lên tới gần 20 con, được nuôi nhốt tại gia đình và gửi các hộ dân nuôi rẽ. Ngồi trên nhà sàn rộng thênh thang, xung quanh ao cá, ruộng lúa và đàn trâu thảnh thơi nhai cỏ, con nào bụng cũng no tròn, lông mượt óng; đưa tay chỉ vào cơ ngơi khang trang của gia đình, anh Canh tự hào khoe, tất cả nhờ nuôi trâu đấy. Anh Canh cho biết thêm, gia đình có 6 miệng ăn, 2 con còn nhỏ, 2 ông bà già, chỉ có 2 lao động chính nhưng vẫn được xếp vào diện khá trong thôn. Trước đây, đàn trâu chỉ có chục con, nhưng khi Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh được ban hành, anh đã mạnh dạn nộp đơn vay vốn ngân hàng mua thêm trâu về nuôi. Nhận được đơn của gia đình, Chi nhánh Agribank Quang Bình cử cán bộ xuống tận nơi thẩm định, giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Với số tiền trên, anh mua 5 con trâu, gồm 4 trâu sinh sản, 1 trâu đực giống hết 90 triệu đồng, còn lại 10 triệu dùng sửa chữa chuồng nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Hiện nay, các trâu sinh sản đã sinh thêm “em bé”, nâng tổng số trâu có được từ tiền vay theo Nghị quyết số 209 lên gần chục con - anh Canh vui mừng khoe!

Từ lâu, thôn Đồng Tâm được nhiều người biết đến là địa bàn chăn nuôi đại gia súc nổi tiếng của xã Yên Thành, gia đình ít cũng có từ 3 con trâu trở lên, nhiều đến cả chục con. Chị Mạc Thị Sớm, cán bộ nông nghiệp xã Yên Thành cho biết, thôn Đồng Tâm có 70 hộ, nhưng tổng đàn trâu lên tới hơn 200 con. Sau đợt thiệt hại do rét đậm, rét hại cách đây gần chục năm, khiến trâu chết la liệt, người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ “đầu cơ nghiệp”. Giờ đây, gia súc không còn bị bỏ trên rừng, trâu được nuôi nhốt; nhà nào cũng có từ vài trăm đến nghìn m2 đất trồng cỏ làm thức ăn. Bên cạnh đó, công tác thú y, tiêm phòng dịch, bệnh cũng được coi trọng, người dân dành nhiều thời gian chăm sóc nên đàn trâu sinh sôi, nảy nở tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Từ chăn nuôi trâu, nhiều gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành triệu phú ngay trên đồng đất quê hương.

Thoát khỏi đói, nghèo, từng bước vươn lên làm giàu là mục tiêu mỗi người dân và các cấp, ngành của tỉnh ta đang nỗ lực, quyết tâm theo đuổi. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, nhiều mô hình khởi nghiệp của những bạn trẻ đã ra đời; qua đó, không chỉ giúp thoát nghèo cho bản thân, còn góp phần tạo thêm công ăn, việc làm và giúp nhiều người có thêm cơ hội thoát nghèo. Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, từ ý chí thoát nghèo được khơi dậy, phát huy trong mỗi người dân, kết quả công tác giảm nghèo của tỉnh ta thời gian qua thực sự đáng khích lệ. Kết thúc năm 2017, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 60.428 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm trên 34% tổng số hộ dân của tỉnh; có 24.752 hộ cận nghèo, chiếm 14%.

Thêm nhiều cơ hội thoát nghèo

Từ những thành quả đạt được của công cuộc xóa đói, giảm nghèo; năm nay, tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt người dân huyện nghèo, xã nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin…

Mục tiêu đặt ra trong năm nay sẽ giảm từ 7.511 hộ nghèo trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,2%, riêng huyện nghèo, xã nghèo giảm trên 6%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới; thu nhập bình quân đạt 24,2 triệu đồng/người/năm; phấn đấu đào tạo nghề cho 13 nghìn người, trong đó, đào tạo nghề ngắn hạn cho 12 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 51%, giải quyết việc làm cho 16.350 lao động; triển khai 33 dự án, mô hình nhân rộng giảm nghèo với trên 500 hộ tham gia; tập huấn nâng cao năng lực cho trên 1 nghìn cán bộ cơ sở và trên 6 nghìn người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, nâng cao năng lực cho trên 200 cán bộ làm công tác giảm nghèo; trên 98% người dân tham gia Bảo hiểm Y tế; trên 900 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm; 91% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 81,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào Mẫu giáo đạt 99,5%, 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%...

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trên, nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí trên 1.356 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư trên 1.234 tỷ đồng, chiếm 91% tổng nguồn vốn; ngân sách tỉnh 99,5 tỷ đồng, chiếm trên 7%; vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 22,5 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao các đơn vị được phân công phụ trách các lĩnh vực, các huyện, thành phố chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, vận động, kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, huy động tài trợ ngân sách thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.

Bài, ảnh:  THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mở hướng liên kết và thu hút đầu tư

BHG - Tỉnh ta đang đổi mới, nỗ lực, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở các lĩnh vực chủ lực như du lịch, nông nghiệp chất lượng cao và thu hút các nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Nhằm biến tiềm năng thành "đòn bẩy" phát triển, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp, mở hướng liên kết và thu hút đầu tư phát triển KT - XH…

27/02/2018
Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay Agribank

BHG - Từ tháng 9.2016, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209  HĐND tỉnh; chàng thanh niên Lục Văn Truân ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã phát triển mô hình khởi nghiệp nuôi ong, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

26/02/2018
Quản Bạ khôi phục và phát triển đàn ngựa

BHG - Mới chỉ cách đây gần 20 năm về trước, hình ảnh những chú ngựa thồ hàng xuống chợ luôn gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá, tuy nhiên ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, giao thông thuận tiện, nên ngày càng ít dần các nhà nuôi ngựa. Với mục đích nuôi ngựa để phát triển kinh tế và phục vụ du lịch, thời gian gần đây, huyện Quản Bạ đã khôi phục và phát triển đàn ngựa, bước đầu mang lại những kết quả khả quan.

26/02/2018
Bắc Mê phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH

BHG - Nhìn lại kết quả đạt được trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện Bắc Mê năm 2017 cho thấy, bức tranh KT - XH ngày càng khởi sắc. Trong đó, có 74 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt so với nghị quyết; sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời; thu ngân sách trên địa bàn được trên 164 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch tỉnh giao. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt 277 tỷ đồng...

26/02/2018