Quản Bạ nhân rộng mô hình ủ chua thức ăn gia súc
BHG - Tổng đàn trâu, bò của huyện Quản Bạ hiện có 21.470 con, trong đó, đàn trâu có 6.901 con, đàn bò 14.569 con, trên 3 nghìn ha cỏ. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi đại gia súc, nhưng thường xuyên phải gánh chịu bất lợi của thười tiết, nhất là vào mùa Đông. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện đã chủ động nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng giúp đàn trâu, bò có sức đề kháng, chống chọi tốt với rét đậm, rét hại.
Anh Hùng Văn Sinh, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân (Quản Bạ) ủ chua cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. |
Với mục tiêu giúp người chăn nuôi tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, huyện Quản Bạ đã nhân rộng mô hình ủ chua thức ăn. Hiện, mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ chăn nuôi đảm bảo có đủ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông giá rét, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, Hoàng Thị Thơm Hương, cho biết: “Bên cạnh công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc vào mùa Đông, chúng tôi đã phối hợp với các xã, thị trấn, tuyên truyền, vận động nhân dân chế biến, dự trữ đầy đủ thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, đảm bảo không để gia súc chết do đói, rét. Hiện, đã dự trữ được 20.917 tấn thức ăn thô, 644 tấn thức ăn tinh; huyện lựa chọn 3 xã Thanh Vân, Tùng Vài, Quyết Tiến, với 107 hộ tham gia thực hiện mô hình ủ chua thức ăn”.
Anh Hùng Văn Sinh, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân được huyện hỗ trợ tham gia mô hình, cho biết: “Năm nay, tôi mới thực hiện ủ chua thức ăn cho đàn gia súc, được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng xây bể chứa 7 m3 ủ chua cỏ. Sau hơn 3 tháng thực hiện ủ chua cỏ cho thấy, phương pháp này rất hay có thể tận dụng được thân cây ngô thừa sau thu hoạch để có nguồn dự trữ thức ăn lâu dài cho đàn bò. Bằng các nguyên liệu đơn giản như thân cây ngô, cỏ, bột ngô, muối… ủ trong thời gian từ 3 - 4 tuần là có thể cho bò ăn được. Năm sau, tôi sẽ tiếp tục thực hiện ủ chua cỏ và giới thiệu cho bà con cùng làm”.
Để đảm bảo việc ủ chua cỏ làm thức ăn cho gia súc có hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã phân công cán bộ khuyến nông xuống thôn, bản tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi, nhất là những hộ vừa xây xong bể ủ chua thức ăn gia súc. Đồng thời, hướng dẫn người dân thu hoạch cỏ và cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, tránh để sương muối làm chết cỏ. Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Toàn xã có 20 hộ chăn nuôi được hỗ trợ để xây bể u chua cỏ. Dù mới thực hiện, nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả, các hộ đều thực hiện tốt phương pháp ủ chua thức ăn. Là địa phương có số lượng trâu, bò tương đối lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình ra toàn xã”.
Việc triển khai mô hình ủ chua thức ăn cho gia súc, từng bước đưa men sinh học vào ngâm ủ thức ăn có ý nghĩa lớn, góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Quản Bạ.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc