Lợi nhuận từ nuôi cá chiên lồng
BHG - Tận dụng dòng nước sông Lô chảy qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn (TT) Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đã đầu tư và đưa mô hình nuôi cá chiên lồng để phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình đang mang lại hiệu quả cao giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hệ thống lồng bè nuôi cá chiên trên sông Lô của ông Đỗ Đình Tuyên (TT Vĩnh Tuy). |
Nắm bắt được lợi thế tài nguyên nước và giá trị của loài cá chiên, năm 2011 ông Đỗ Đình Tuyên, tổ dân phố Tân Long (TT Vĩnh Tuy) đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá chiên thương phẩm bằng lồng. Ban đầu ông nuôi 1 lồng cá, sau đó mở rộng nuôi lên 2 lồng với khoảng 100 con, bình quân mỗi con có trọng lượng từ 2 - 2,5 kg. Do được nuôi theo phương pháp tự nhiên nên cá có chất lượng thịt ngon, săn chắc được thị trường ưa chuộng. Mỗi vụ cá gia đình ông Tuyên thu hoạch khoảng trên 2 tạ, với giá thị trường hiện nay bán dao động từ 450 – 500 nghìn đồng/kg. Một vụ cá cho gia đình ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí về giống, thức ăn và công chăm sóc. Hiện gia đình ông đang có 6 lồng tất cả với hàng trăm con cá chiên có trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con, dự kiến sẽ được xuất bán trong thời gian tới. Theo ông Tuyên cho biết: Cá chiên là loài cá sống trong tự nhiên nên việc nuôi và chăm sóc không quá khó, chỉ cần thả nuôi ở những nơi nước chảy thường xuyên, không ô nhiễm, hệ thống lồng bè được thiết kế phù hợp; đảm bảo trong quá trình nuôi, cá được chăm sóc, phòng và trị bệnh kịp thời. Nguồn thức ăn chủ yếu là nguồn cá tạp được bắt từ sông, suối. Bên cạnh đó, cá chiên bán ra có giá cả ổn định, do nhu cầu thị trường cao nên sản lượng cá có bao nhiêu thì được thương lái đặt mua bấy nhiêu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay cho những hộ dân nuôi cá chiên là về con giống, do trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành nhân giống cá này, nên người dân phải đặt mua con giống tại Hà Nội và các tỉnh khác.
Cách chỗ lồng bè của ông Tuyên một đoạn sông gần 2 km là 8 lồng cá chiên của gia đình ông Khúc Văn Hải ở thôn Quyết Tiến. Trong đó, có 6 lồng cá loại lớn có trọng lượng gần 2kg/con, còn lại 2 lồng cá bé. Ông Hải đã nuôi cá chiên lồng được 5 năm nay, đầu tiên ông nuôi với 2 lồng, đến nay do nhu cầu thị trường tiêu thụ dễ, giá thành cao nên gia đình ông Hải đã tập trung đầu tư mở rộng mô hình với 8 lồng cá, thu nhập bình quân mỗi vụ sau khi cho thu hoạch khoảng 170 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí cho thu về khoảng 100 triệu đồng.
Từ hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá chiên trong lồng của người dân TT Vĩnh Tuy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cho chủ trương để các hộ liên kết thành lập các Tổ hợp tác để thống nhất với nhau trong quá trình đầu tư và chăm sóc đến đầu ra của sản phẩm. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân có điều kiện tập trung chăn nuôi. Từ vài lồng cá đến nay, toàn TT Vĩnh Tuy đã có 18 hộ dân nuôi, mở rộng mô hình nuôi cá chiên với 51 lồng cá mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Lam, Chủ tịch UBND TT Vĩnh Tuy cho biết: Ngoài phát triển cây cam, tăng sản lượng cá là chỉ tiêu được TT tập trung phát triển. Đối với nuôi cá chiên lồng trên sông Lô, mô hình này đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Vì vậy, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi với các chính sách hỗ trợ để người dân phát triển và nhân rộng mô hình như hỗ trợ các tổ hợp tác nguồn vốn để mua con giống. Thời gian qua, nguồn vốn của Đề án thôn Tự chủ - Tự quản đã cho 1 tổ hợp tác nuôi cá chiên lồng vay với số vốn 100 triệu đồng để phát triển. Bên cạnh đó, phối hợp cùng với các ngành chức năng hỗ trợ người dân trong vấn đề nhân giống cá chiên và công tác phòng, chữa bệnh khi nuôi cá lồng. Liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc thu mua sản phẩm nhằm phát triển cá chiên thương phẩm theo hướng hàng hóa.
Cá chiên vốn được biết đến là một trong những loài cá có chất lượng thịt ngon nhất trong các loài cá nước ngọt, chủ yếu sống ở vùng sông, suối, nơi có dòng nước chảy siết. Mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô ở TT Vĩnh Tuy đang mang lại cho người dân thu nhập cao và được sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Vì vậy, để giúp người chăn nuôi có điều kiện chủ động và mở rộng quy mô nuôi cá chiên lồng, ngành chuyên môn của tỉnh cần nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để cho cá chiên sinh sản nhân tạo, từ đó chủ động được nguồn giống tại chỗ. Đó cũng là một cách để gìn giữ và nhân giống loài thủy sản quý hiếm, đồng thời mở ra cơ hội để phát triển mô hình nuôi thủy sản mới, cho hiệu quả kinh tế cao giúp người dân địa phương vươn làm giàu.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc