Đồng Văn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất
BHG - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Đồng Văn đạt được những thành tích đáng tự hào, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện. Để có được kết quả đó, huyện đã cụ thể hóa các nội dung trong thực hiện khâu đột phá ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, nhận diện rõ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, huyện đã lựa chọn các nội dung, dành nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng, chống dịch bệnh tốt, hỗ trợ và xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp sạch... Qua đó đã mang lại những kết quả mang tính đột phá, tiêu biểu phải kể đến là đã nghiên cứu sản xuất nhiều giống dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh; thụ tinh nhân tạo cho đàn bò Vàng; nhân giống và bảo tồn nguồn gen Gà lông xước, lợn đen Sủng Trái.
Giống gà lông xước được chăm sóc, bảo tồn tại Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng. |
Cũng từ việc thực hiện khâu đột phá trong ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được hỗ trợ mua trang thiết bị máy móc, xây dựng thương hiệu, nhãn mác. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng như ớt gió ngâm tỏi; bánh Tam giác mạch; thịt bò Vàng, mật ong Bạc hà đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.
Đồng chí Giang Lộc Thăng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng cho biết: Bám sát khâu đột phá ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất của tỉnh, những năm qua, Trung tâm đã tích cực, chủ động phối hợp, liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh bảo tồn, nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất ra những giống cây, con mới cho năng suất, sản lượng cao để cung ứng cho người dân. Trung bình mỗi năm, Trung tâm cung ứng ra thị trường trên 100.000 cây ăn quả gốc ghép đào, lê, Hồng không hạt; cung cấp hàng nghìn con lợn, gà giống chất lượng cao; duy trì vườn bảo tồn 30 dòng chè Shan và vườn bảo tồn các loại cây dược liệu quý; tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc đàn ong nội, tạo chúa cho đàn ong, xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật mật ong Bạc hà... Nhiều mô hình sản xuất, khảo nghiệm do Trung tâm triển khai đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong vùng và là động lực để mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Chị Nguyễn Ánh Vân, Công ty Trường Anh, tổ 3, thị trấn Đồng Văn chia sẻ: Từ hỗ trợ của huyện và từ nguồn vốn khuyến công, Công ty được hỗ trợ lắp đặt hệ thống máy lọc thủy phần đối với sản phẩm mật ong Bạc hà, được hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý. Chính từ sự hỗ trợ thiết thực này, Công ty có thêm động lực để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm mật ong Bạc hà của công ty khẳng định được uy tín, chất lượng và đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao.
Có thể nói, chương trình ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất đã khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của KHKT trong đời sống xã hội. Các lĩnh vực lựa chọn đều mang tính ứng dụng cao và có tác động ngay vào thực tiễn, nhất là việc áp dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp làm chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy KT - XH của huyện Đồng Văn phát triển bền vững.
HOÀNG NGỌC