Đột phá nông nghiệp công nghệ cao ở Vị Xuyên
BHG - Dưa lưới, dâu tây, nho, rau quả trái vụ, lúa chất lượng cao, hoa hồng cổ, dược liệu quý hiếm… là những sản phẩm của nền nông nghiệp công nghệ cao mà huyện Vị Xuyên đang triển khai thực hiện để hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vườn ươm dược liệu của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về đột phá ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất; huyện Vị Xuyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) vào sản xuất, như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, hỗ trợ tiền thuế thuê đất, hỗ trợ làm nhà lưới, làm đường giao thông; đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình, nghị quyết, Đề án của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp để khuyến khích người dân phát triển sản xuất, như: Nghị quyết 29, 86 và 29 của HĐND tỉnh, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; chương trình phát triển cây dược liệu, các chuỗi giá trị…
Trồng dưa Kim cô nương mang lại giá trị kinh tế cao của HTX sản xuất rau an toàn Học Lập. |
Tổ 17, thị trấn Vị Xuyên có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, trước đây người dân canh tác theo kiểu truyền thống, lạc hậu, năng suất thấp, một số vườn tạp bị bỏ hoang. Nhận thấy tiềm năng để phát triển nơi đây thành khu nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã tập trung giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thuê đất, kêu gọi các hộ dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Chị Trần Thị Lụa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học (Công ty Cổ phẩn Phát triển nông – lâm nghiệp và môi trường Việt Nam) dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm công nghệ cao giống cây trồng nông, lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa, cây cảnh và dược liệu, chia sẻ: “Công ty hiện sản xuất trên 10 vạn cây dược liệu quý mỗi năm, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh; Công ty có 1 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích trên 4 ha, chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Khu đất sản xuất được huyện Vị Xuyên hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thuế, tiền thuê đất và làm đường giao thông….”. Bên cạnh Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học là HTX sản xuất rau an toàn Học Lập. Được thành lập từ năm 2015, đến nay, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới trên 4.000 m2 với vòi tưới nhỏ giọt tự động, ứng dụng KHKT để ươm, trồng các loại giống dưa, rau, quả chất lượng cao. Doanh thu hằng năm của HTX đạt trên 1 tỷ đồng.
Bước vào khu trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao của gia đình anh Triệu Văn Hiệp, ít ai có thể ngờ trên đất Vị Xuyên, cây dâu tây, nho, hoa hồng cổ, dưa lưới,… lại sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Hiệp chia sẻ: “Hệ thống nhà lưới kiên cố của tôi đã đầu tư trên 300 triệu đồng với hệ thống phun tưới tự động; áp dụng KHKT nghiêm ngặt vào quy trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng để đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao này; mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng”. Nhiều hộ dân khu vực tổ 17 cũng đã cải tạo vườn tạp, ươm trồng các loại cây ăn quả có giá trị như bưởi Da xanh, cam, ổi…
Từ thị trấn Vị Xuyên, phong trào ứng dụng KHKT vào sản xuất được nhân rộng mạnh mẽ trên địa bàn các xã, thị trấn trong toàn huyện. Tiêu biểu như: Xã Đạo Đức, Phương Tiến, Trung Thành, Việt Lâm với nhiều mô hình hiệu quả. Từ đó, giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức, chuyển từ thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang áp dụng tiến bộ KHKT&CN vào tất cả các khâu sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Được biết, tất cả các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Vị Xuyên hiện có đầu ra ổn định, bán tại các điểm trưng bày trên địa bàn huyện, chợ đầu mối và đặc biệt là hợp đồng cung ứng cho các siêu thị lớn ở Hà Nội.
Với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất cho người dân, ứng dụng KHCN vào sản xuất, lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo sản xuất và đích đến; nông nghiệp Vị Xuyên đang có những bước chuyển mình rõ nét. Hiện, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.610 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 đơn vị diện tích canh tác cây hằng năm đạt 65 triệu đồng. Trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp KHCN vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, vừa đào tạo nguồn nhân lực. Huyện chủ động hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm, uy tín để chuyển giao KHCN cho người dân; ký hết hợp tác với Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên về phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm được sản xuất từ công nghệ cấy mô tế bào mang lại giá trị kinh tế cao như: Đông trùng hạ thảo; Lan Kim tuyến, Keo Úc; ứng dụng công nghệ sinh học phục tráng và bảo tồn giống lúa, ngô địa phương; chọn, tạo thế hệ cam Sành sạch bệnh; bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm, đặc hữu… Công tác đào tạo nghề nông nghiệp được đổi mới về phương pháp và nâng cao chất lượng; từ năm 2015 đến nay, đã có trên 3.600 lao động nông nghiệp được đào tạo và chuyển giao KHKT.
Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên, Vi Hữu Cầu, nhấn mạnh: “Làm nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại; giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Với lợi thế về đất đai rộng lớn, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau và những cách làm linh hoạt tại các địa phương, mô hình nông nghiệp công nghệ cao có thể được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Huyện Vị Xuyên tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN