Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm khoa học vào sản xuất
BHG - Với sự quan tâm đầu tư của T.Ư, của tỉnh và với những nỗ lực của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai thực hiện được 107 đề tài, dự án KH&CN. Trong đó có 28 đề tài, dự án cấp T.Ư; 39 đề tài, dự án cấp tỉnh và 40 đề tài, dự án cấp huyện/thành phố. Các đề tài nghiên cứu khoa học trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, khi được ứng dụng vào thực tế trở thành động lực để kích thích sự phát triển KT – XH, góp phần thực hiện “2 đột phá” và “5 chương trình trọng tâm” được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản Hà Giang nghiên cứu nhân giống, bảo tồn loài cá Chày đất. |
Có thể nói, vị trí, vai trò quan trọng của KH&CN trong hệ thống các giải pháp phát triển KT-XH của địa phương ngày càng được khẳng định. Các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng đã bám sát định hướng được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và có sự chuyển hướng trong nghiên cứu, ứng dụng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cấp bách của địa phương. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên. Các đề tài, dự án, có những đóng góp đáng kể trong việc thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Nhiều đề tài, dự án được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng KT - XH ở địa phương.
Đồng chí Phan Đăng Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, cho biết: Có khoảng 70% đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng thuộc lĩnh vực nông nghiệp; nhiều đề tài liên quan đến các lĩnh vực được tỉnh rất quan tâm như du lịch, dược liệu, tái cơ cấu kinh tế. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, đến nay có 6 sản phẩm đặc sản của tỉnh là: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, gạo tẻ Già Dui Xín Mần, chè Shan tuyết, thịt bò Hà Giang đã được Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, mở ra triển vọng mới cho sản xuất hàng hóa thế mạnh của tỉnh…
Cùng với đó, các nhiệm vụ KH&CN đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ tri thức của tỉnh tham gia đào tào, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực dự báo, phân tích, hoạch định chiến lược cho đội ngũ cán bộ của địa phương. Tỉnh đã có cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN, tăng cường hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo gắn với Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp. Qua đó, đã lựa chọn 8 ý tưởng để xem xét hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập được 2 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, thì việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kế hoạch phát triển KT - XH của các cấp, ngành chưa được chặt chẽ, đồng bộ. Hoạt động của các trung tâm, trạm, trại khoa học kỹ thuật chưa thích ứng với cơ chế thị trường, chưa phát huy vai trò làm cầu nối, dịch vụ gắn KH&CN với sản xuất. Các nhiệm vụ KH&CN thường chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ nên không đủ mức độ cần thiết để tạo động lực cho phát triển KT - XH. Việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, do thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN cấp cơ sở còn hạn chế trong việc phát huy vai trò tham mưu đối với việc ứng dụng KH&CN ở địa phương. Các sở, ngành, địa phương khi nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch ứng dụng vào thực tiễn.
Để mở rộng các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, theo đồng chí Phan Đăng Đông: Sở tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX. Mục tiêu của kế hoạch là thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp cộng với nguồn đối ứng cơ chế, chính sách của Nhà nước sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN một cách hiệu quả; đây sẽ là bước đi, cách làm mới để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN.
Cùng với đó, để đẩy mạnh ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu, ngành KH&CN cũng cần đổi mới công tác tuyển chọn, xác định nhiệm vụ KH&CN hàng năm trên cơ sở đặt hàng của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX để giải quyết các vấn đề cấp thiết. Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có đủ năng lực tham gia các đề tài, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động về tài chính, bao tiêu sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hoá các thủ tục giải ngân, thanh quyết toán, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài chuyên tâm nghiên cứu, tạo ra sản phẩm khoa học tốt nhất để ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc