"Phát thanh viên" của bản Cao Bành
BHG - Bằng chất giọng đầm ấm quen thuộc, anh Bàn Văn Nhì (sinh 1977), Trưởng thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đã chuyển thể những nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc Dao để đọc phát thanh cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ; góp sức cùng với địa phương thực hiện hiệu quả công tác PCD theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Là thôn vùng cao, nằm cách trung tâm xã Phương Thiện chưa đầy 7 km. Toàn thôn có 85 hộ với 431 khẩu; đồng bào 100% là dân tộc Dao. Đây là địa bàn khá rộng, người dân sinh sống thưa thớt ở các sườn đồi; hệ thống giao thông vô cùng khó khăn, mùa mưa thì trơn trượt, lầy lội, đất ngập bánh xe máy không thể lưu thông được. Nơi bản xa xôi, hẻo lánh, những người già gần như không biết nói và hiểu tiếng phổ thông. Trong cuộc sống mưu sinh lao động hằng ngày, người dân quanh năm làm nghề trồng lúa, trồng chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chính vì địa hình chia cắt, nên chủ yếu nông sản làm ra, bà con tự phải mang đi tiêu thụ tại các phiên chợ lân cận. Thấu hiểu trước những vất vả, thiếu thốn đó; anh Nhì đã không quản ngại ngày nắng cũng như mưa tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn cho nhân dân từ người già đến trẻ nhỏ thực hiện cho tốt việc PCD Covid-19.
Trưởng thôn Bàn Văn Nhì đọc phát thanh bằng tiếng Dao, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. |
Anh Nhì bộc bạch: “Tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn 10 năm nay. Trong thôn có bất cứ công việc gì, tôi đều phải đến tận nơi để nắm bắt tình hình nên thuộc từng ngôi nhà, ngõ ngách như trong lòng “bàn tay”. Phát huy hiệu quả đúng lúc, đúng chỗ của hệ thống loa phát thanh; mỗi ngày, tôi thường đến nhà văn hóa thôn 2 lần vào lúc 6 giờ sáng và 5 giờ chiều để đọc thông báo các văn bản, chỉ thị của T.Ư, của tỉnh; các bản tin thời sự liên quan đến dịch Covid-19 bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Dao. Việc dịch và đọc tiếng Dao không khó, vì tôi là người gốc bản địa được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Bây giờ, ngày nào người dân Cao Bành cũng ngóng các thông tin dịch bệnh, bất cứ ai trong thôn, xóm đều nắm được số người mắc bệnh trên cả nước để biết cách phòng dịch cho đúng; luôn đeo khẩu trang và chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết. Tôi mừng lắm, vì đã truyền tải thông tin đến tất cả mọi người vì đã đóng góp một phần nhỏ công sức trong công tác tuyên truyền PCD bệnh nói chung”.
Không chỉ sáng tạo cách thức tuyên tuyền, anh Nhì còn dành thời gian đến với người dân; đặc biệt là ở những nơi xa, xem bà con có nghe rõ loa phát thanh không để kịp thời điều chỉnh, phổ biến thông tin nhanh nhất. Việc nhắc lại liên tục những nội dung quan trọng đã khắc sâu vào ý thức người dân cách thức PCD bệnh. Ông Trần Văn Páo, chia sẻ: “Hơn 2 tháng nay, hệ thống loa phát thanh của thôn Cao Bành ngày nào cũng mở; phát thanh viên luôn nhắc nhở chúng tôi quan tâm, bảo vệ sức khỏe, tránh tụ tập nơi đông người. Dù dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhưng theo tôi, sức khỏe là quý nhất. Nên mọi người cần thực hiện nghiêm túc các quy định PCD Covid-19”. Chị Đặng Thị Nhâm, bày tỏ: “Tôi rất thích nghe các thông tin bằng tiếng dân tộc mình vì gần gũi. Nhờ hệ thống loa phát thanh, dù có đi làm đồng hay lên nương, tôi đều nghe được kiến thức PCD bệnh”.
Những ngày này, giữa diến biến phức tạp của dịch Covid-19, khắp các nơi từ vùng thấp cho đến vùng cao miền cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, những “hạt nhân” ở cơ sở vẫn đang ầm thầm, lặng lẽ cống hiến sức mình trong cuộc chiến PCD bệnh từ những việc làm nhỏ nhất; nhưng cũng đầy ý nghĩa. Với cái tâm của người cán bộ đứng đầu thôn, bản; nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; công tác tuyên truyền được coi là yếu tố then chốt để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về dịch bệnh cũng như cách PCD hiệu quả.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc