Cần mẫn cùng đàn ong lấy mật từ đá núi
BHG - Xuất thân trong một gia đình thuần nông, khao khát cháy bỏng của chàng trai trẻ Sân Văn Dũng (sinh 1992), dân tộc Nùng, thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) là có được một công việc ổn định và làm giàu tại quê hương. Nhờ đó, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần đưa nông sản địa phương vươn ra thị trường lớn và anh là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp ở Quản Bạ.
Anh Sân Văn Dũng thu hoạch mật ong. |
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang năm 2013, không theo nghề đã học mà anh trở về quê hương tiếp tục thực hiện ước mơ làm giàu. Tận dụng diện tích đất vườn và lợi thế của địa phương có nhiều loài hoa, như: Bạc hà, Xuyến chi, nhãn, vải và hoa rừng,... cùng với việc tìm hiểu và học hỏi ở nhiều nơi; anh đã tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi ong mật. Qua đó, anh tiếp cận và vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để đầu tư nuôi hơn 100 tổ ong mật.
Anh Dũng chia sẻ: Ban đầu chỉ đi trông, chăm sóc ong mật cho các chủ trại ong; bản thân nhận thấy hơn 80% chủ trại ong trên vùng Cao nguyên đá đều là người từ địa phương khác đến. So với các loài vật nuôi, ong mật dễ nuôi và tốn ít công chăm sóc, lợi nhuận lại khá cao. Do đó, tôi quyết tâm học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ong và trở về đầu tư nuôi ong tại gia đình. Từ năm 2017 đến nay, gia đình luôn duy trì nuôi hơn 100 tổ ong mật và được nuôi theo mùa của các loại hoa, như: Mùa hoa Xuyến chi và hoa rừng thì nuôi tại vườn gia đình, còn mùa hoa Bạc hà thì chuyển ong lên Đồng Văn, Mèo Vạc; mùa hoa nhãn, vải lại chuyển xuống Tuyên Quang thuê vườn để ong hút mật,... cách 2 tuần thì được thu hoạch 1 lần mật; trung bình một tổ ong thường thu được 1 lít mật và giá tiền tùy theo loài mật, như: Mật ong Bạc hà 400 nghìn đồng/lít, mật ong hoa Xuyến chi, nhãn, vải,... trên 150 nghìn đồng/lít. Trung bình 1 năm, trừ các khoản chi phí, gia đình thu được trên 100 triệu đồng.
Với sức trẻ và tính cần cù của mình, anh Dũng luôn đầu tư chăm sóc đàn ong một cách tốt nhất có thể để đảm bảo chất lượng mật tự nhiên; các loại mật ong của anh luôn được nhiều thị trường, khách hàng ở các trung tâm, thành phố lớn trong nước và du khách nước ngoài đặt mua. Ngoài những mối thân thiết, anh còn áp dụng bán hàng trên các trang mạng xã hội, như: Facebook, zalo và được nhiều người tin tưởng, đặt mua, “Mỗi lần thu hoạch mật và đóng chai, tôi thường nhờ anh em lấy điện thoại quay video quá trình thu hoạch và phát trên các trang mạng xã hội; nhờ đó, mỗi lần quay lấy mật là có người đặt mua và chưa bao giờ gia đình bị tồn mật”. Anh Dũng cho biết thêm. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, ngoài nuôi ong mật, anh còn nuôi thêm trâu, lợn, gà và trồng hàng chục cây Hồng không hạt.
Đồng chí Mai Xuân Minh, Phó Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ, cho biết: Không chỉ là một tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, anh Sân Văn Dũng còn thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bản thân anh Dũng và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Trong công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, anh luôn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động; đặc biệt, anh luôn tiên phong trong thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp cũng như cống hiến sức trẻ cho quê hương và góp phần mang sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn ra thị trường lớn.
Bài, ảnh: VƯƠNG MAI
Ý kiến bạn đọc