Những nông dân khởi nghiệp ở Quang Minh
BHG - Vốn là những nông dân “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương” của xã Quang Minh (Bắc Quang); nhưng nhờ sự năng động, sáng tạo, họ đã liên kết để sản xuất, kinh doanh (SXKD) thông qua việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông dân SXKD dịch vụ tổng hợp Thanh Thản (HTX Nông dân Thanh Thản). Và họ đã biến một trong những sản phẩm nông sản trở thành hàng hóa đủ tiêu chuẩn, vươn ra thị trường thế giới...
Chị Nguyễn Thị Thản - Giám đốc HTX Nông dân Thanh Thản giới thiệu sản phẩm lá Bát độ xuất khẩu. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 30, chị Nguyễn Thị Thản – Giám đốc HTX Nông dân Thanh Thản, trải lòng: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi vào Trường Đại học Công nghệ Hà Nội để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Thế nhưng, vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi buộc phải từ bỏ ước mơ cháy bỏng của mình để cùng bố mẹ san sẻ gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” và nuôi các em ăn học. Và chị Thản từng làm công cho doanh nghiệp SXKD chè, rồi xưởng làm bột giấy hoặc tất bật với việc thu mua lá giang tươi về bán cho các cơ sở chế biến. Bước ngoặt mở ra khi chị được nhận làm quản lý cho một cơ sở chuyên SXKD lá giang, do doanh nhân người Trung Quốc là chủ. Sau nhiều năm làm việc, tích lũy kinh nghiệm, được sự khuyến khích của doanh nghiệp, chị Thản trở về quê hương để trở thành hạt nhân quan trọng trong việc SXKD của Công ty Sản phẩm nông nghiệp Tân Tứ Hải, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đây là doanh nghiệp từng có cơ sở chuyên SXKD lá giang trên địa bàn huyện Bắc Quang mà chị Thản gắn bó.
Với suy nghĩ: “Muốn đi xa thì phải đi nhiều người”, chị Thản quyết định thành lập HTX kiểu mới để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Tháng 9.2018, HTX Nông dân Thanh Thản được thành lập với sự tham gia của 7 thành viên sáng lập. Họ đều là nông dân, thuộc thế hệ 7X, 8X chung khát vọng nâng cao thu nhập cho gia đình và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của quê hương. Đi vào hoạt động, HTX tập trung SXKD một số ngành phù hợp với người nông dân, như: Chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trâu, bò giống; trồng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp; sản xuất nấm ăn, trồng rau công nghệ cao... Trong đó, việc trồng rừng và chăm sóc rừng họ tre (Bát độ, giang, tre, nứa, luồng, vầu) đang là ngành SXKD đặc biệt tiêu biểu của HTX. Ngành SXKD này nhằm mục đích phục vụ cho xây dựng, làm nguyên liệu đan lát vật dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu giấy, làm tấm ép hoặc lấy măng. Với đặc tính cây giang, Bát độ phát triển nhanh, cho nhiều lá, việc thu hái không tác động nhiều đến sự phát triển của cây. Do vậy, hoạt động SXKD loại lá này trở thành thế mạnh của HTX...
Vốn quen với việc tảo tần “một nắng hai sương” nơi ruộng vườn, nương đồi nhưng khi trở thành thành viên sáng lập HTX, chị Nguyễn Thị Sứ (thôn Minh Tâm) nhanh chóng bắt tay vào công việc hoàn toàn mới – SXKD lá giang, lá tre Bát độ xuất khẩu trên dây chuyền hiện đại. Dù khởi sự nghề mới khi độ tuổi đã gần 50 nhưng chị Sứ cho biết: Hoạt động của HTX trở thành một phần cuộc sống của chị và các thành viên sáng lập với nhiều khởi đầu mới. Không chỉ tham gia vào hoạt động kinh tế tập thể, mỗi thành viên HTX còn được làm việc trong môi trường có sự liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này giúp thành viên, người lao động rèn tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và phát huy sự năng động, sáng tạo trong công việc. Hơn nữa, hoạt động SXKD hiệu quả đã giúp chị Sứ và các thành viên có thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động địa phương ở những thời điểm SXKD khác nhau…
Không phụ công người nông dân trên bước đường khởi nghiệp, sản phẩm lá giang, lá tre Bát độ tươi đảm bảo yêu cầu về chất lượng của HTX đã vươn ra thị trường thế giới, như: Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... Giám đốc HTX Nông dân Thanh Thản, Nguyễn Thị Thản cho biết: Trung bình 1 ngày, HTX thu mua khoảng 10 tấn lá giang, lá tre Bát độ tươi với giá từ 9 – 12 nghìn đồng/kg cho người dân xã Quang Minh và các địa phương lân cận, như Vô Điếm, Hùng An. Sau quá trình sơ chế, bảo quản, HTX có thể xuất từ 2 – 3 xe hàng/tháng với khối lượng 25 – 30 tấn lá thành phẩm/xe hàng, tạo doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Hơn nữa, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX đã trồng thử nghiệm 2 ha nguyên liệu trên cơ sở ghép tre Bát độ với cây giang, nhằm tạo ra sản phẩm lá lai, có nhung và đạt chất lượng cao hơn. Đặc biệt, không chỉ SXKD hiệu quả, HTX còn xây dựng khu ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động với quy mô lên đến 150 giường.
Thực tế cho thấy, dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX Nông dân Thanh Thản thực sự tiêu biểu cho phong trào khởi nghiệp. Họ đã tạo ra bước ngoặt chưa từng có của nông dân xã Quang Minh khi đưa sản phẩm nông sản vươn ra thị trường thế giới – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quang Minh, Nguyễn Thành Chung nhận định. Tuy nhiên, HTX hiện đang gặp khó khăn về quỹ đất; diện tích hiện có là đất trồng cây hàng năm của 18 hộ dân cho HTX thuê sử dụng với thời gian 10 năm nên khó có thể xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi... Do vậy, để phát huy vai trò kinh tế tập thể, HTX mong muốn được các cấp, ngành chung tay gỡ khó, tạo điều kiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo quy hoạch Nông thôn mới…
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc