Chung Văn Bình điển hình nuôi bò vỗ béo
BHG - Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã tạo hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của gia đình anh Chung Văn Bình, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản Bạ). Thông qua nguồn vốn đã giúp anh trở thành một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế hiệu quả từ nuôi bò vỗ béo.
Đàn bò của anh Chung Văn Bình, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản Bạ). |
Sinh ra và lớn lên ở xã Tùng Vài, được chứng kiến không ít gia đình sống trong cảnh nghèo, đói; đây cũng chính là động lực khiến anh Bình luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách thoát nghèo. Nhưng ở nơi vùng cao hiểm trở, đá nhiều hơn đất thì việc tìm cách thoát nghèo gặp vô cùng khó khăn. Anh Bình tâm sự: “Trước đây chưa có nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209, gia đình tôi đã làm nhiều nghề, như: Đi buôn bán ở chợ phiên, bán hàng tạp hóa, xay xát, nuôi lợn, gà… Do vốn ít, nên lời lãi chẳng đáng là bao; cùng sự thay đổi của thị trường, dịch bệnh dễ dẫn đến rủi ro, thua lỗ. Khi tỉnh có chủ trương cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn vào năm 2016; gia đình tôi mới có cơ hội và tìm hướng đi mới là nuôi bò hàng hóa”.
Mặc dù đã ở tuổi 42, anh Bình vẫn quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi đại gia súc; với mong muốn đưa gia đình thoát khỏi diện nghèo... Anh Bình chia sẻ: “Những năm trước, nhà nghèo nên chỉ nuôi 1-2 con bò để phục vụ cày cấy chứ chưa dám nghĩ đến nuôi bò hàng hóa. Từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về chính sách ưu đãi của tỉnh, tôi học cách làm chuồng của các hộ xung quanh, rồi nghiên cứu về kỹ thuật chăn nuôi bò, tính toán thời gian khi nào xuất chuồng được giá cao, không bị tốn kém chi phí chăn nuôi”…
Nhận được vốn vay 100 triệu đồng, anh Bình xây 4 gian chuồng kiên cố và che chắn cẩn thận và mua bò về nuôi vỗ béo; đến nay, anh luôn duy trì đàn bò từ 7 - 8 con. Anh chia sẻ, “Nhà neo người, chỉ có 2 vợ chồng thay nhau cắt cỏ, nấu cám và chăm sóc đàn bò, lợn nên không thể tăng đàn quá nhiều. Nuôi bò có ưu điểm là ít bị dịch bệnh, lớn nhanh và cho thu nhập cao; giá bán bò thường dao động từ 20-30 triệu đồng/con. Với mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản cùng đàn lợn trong chuồng lúc nào cũng khoảng 20 con cùng cửa hàng tạp hóa đã mang về thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh Bình.
Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, Nguyễn Trọng Tùng, cho biết: Hộ anh Bình là một trong những điển hình ở xã về sử dụng vốn vay hiệu quả trong phát triển chăn nuôi bò hàng hóa; sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của anh Bình là tấm gương để bà con trong xã học tập, và mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi tiến tới thoát nghèo bền vững”.
Nhờ nuôi bò mà gia đình anh Bình có của ăn, của để và nuôi con theo học đại học, chuyên nghiệp. Sự thành công của anh Bình chính là động lực khuyến khích người dân vùng cao mạnh dạn phát triển sản xuất hàng hóa.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc