Chàng trai Tày khởi nghiệp trên miền đá
BHG - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bắc Quang, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch (DL) Hà Nội, anh quyết định trở về quê hương, mạnh dạn khởi nghiệp trên miền đá. Người chúng tôi nói đến là anh Ma Hoàng Sơn, dân tộc Tày, sinh năm 1989, hiện trú tại thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn).
Anh Ma Văn Sơn chăm sóc vườn hoa. |
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, anh Sơn làm hướng dẫn viên DL cho Công ty Cổ phần DL Hà Giang. Với kiến thức được học tại trường và kinh nghiệm thực tế khi làm hướng dẫn viên, anh nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng để phát triển DL, nhưng lại thiếu công ty DL để giới thiệu cho du khách về vẻ đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên, tình cảm con người và các sản phẩm truyền thống của địa phương. Vì vậy, năm 2012, anh quyết định thành lập Công ty Cổ phần Lữ hành Cao nguyên đá ở Hà Giang. Năm 2014, anh nhận thuê điểm dừng chân Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) với mức giá 6 triệu đồng/1 tháng để làm điểm dừng chân cho du khách và giới thiệu các sản phẩm truyền thống của địa phương. Đến năm 2016, anh quyết định chuyển công ty lên thị trấn Đồng Văn để thuận tiện cho việc phục vụ du khách. Những ngày thường, điểm dừng chân của anh thu hút khoảng 200 – 300 khách DL; vào những ngày lễ hay cuối tuần thu hút trên 1.000 khách đến tham quan và mua sắm các sản phẩm của địa phương. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh có thu nhập gần 450 triệu/ năm.
Không dừng lại ở đó, từ thực tế, anh thấy khách DL chỉ đến những nơi có cảnh quan đẹp được thiên nhiên ban tặng mà cả những cảnh đẹp do con người tạo ra... Do đó, cuối tháng 2.2017, anh quyết định bỏ số vốn ban đầu với 500 triệu đồng cải tạo 780 m2 đất, đá đối diện với điểm dừng chân Mã Pì Lèng để trồng các loại hoa như: Hoa Tulip; hoa Hồng; hoa Tam giác mạch, hoa Hướng dương; hoa Cánh bướm; Phong nữ thảo; Dạ yến thảo… Nhằm tạo cảnh quan hấp dẫn cho du khách chụp ảnh lưu niệm. Nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách anh Sơn thuê 4 nhân công biết giao tiếp bằng tiếng Anh với mức lương 4 triệu/ tháng. Hiệu quả từ việc trưng bày, bán các sản phẩm truyền thồng và kinh doanh vườn hoa. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm anh Sơn thu nhập được gần 700 triệu đồng.
Khi thực hiện ý tưởng trồng hoa trên đồi Mã Pì Lèng cũng có rất nhiều căn ngăn. Bởi vì khí hậu thổ nhưỡng ở đây rất khắc nghiệt. Để thực hiện ý tưởng này, anh phải thuê người dân gùi hơn 20 khối đất để đổ vào các hốc đá và dùng đá để kè giữ đất. Những tháng đầu khi bắt đầu trồng hoa, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên rất nhiều hoa bị chết, điều kiện khí hậu khắc nghiệt như: Sương mù, gió lạnh, tưới nước chỉ giữ ẩm khoảng 10 – 15 phút; buổi sáng trời hanh khô nhưng buổi tối độ ẩm lại cao nên tạo cho sâu bệnh phát triển làm hại đến các loài hoa… Không nản lòng trước những khó khăn, với phương châm là “vừa làm, vừa học”; “lấy thất bại làm bước đệm của thành công”. Hiện nay, vườn hoa trên miền đá của anh luôn luôn có các loại hoa khoe sắc.
Anh Sơn tâm sự: Trong thời gian tới, tôi sẽ mở thêm nhiều dịch vụ khác tạo điểm nhấn để du khách có những ấn tượng riêng về thiên nhiên, con người Hà Giang nhưng không ảnh hưởng đến cảnh quanh kỳ vỹ mà thiên nhiên nhiên ban tặng. Đồng thời, tôi cũng muốn góp một chút sức nhỏ bé của mình để Hà Giang có thể phát triển kinh tế DL thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì Vậy, tôi rất mong các ban, ngành, đoàn thể huyện Mèo Vạc tạo điều kiện giúp tôi phát triển các dịch vụ DL tại điểm dừng chân Mã Pì Lèng trong thời gian dài.
Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN
Ý kiến bạn đọc