Đoàn Tuấn Anh khởi nghiệp với Mô hình trồng rau an toàn

17:11, 23/03/2018

BHG - Trồng rau sạch trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên Đoàn Tuấn Anh, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và bản tính cần cù, chịu khó, anh đã cung cấp cho thị trường mỗi ngày hàng chục kg rau sạch, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới.

Đoàn Tuấn Anh chăm sóc vườn cà Chua giống Nhật Bản trồng trong nhà lưới.
Đoàn Tuấn Anh chăm sóc vườn cà Chua giống Nhật Bản trồng trong nhà lưới.

Đoàn Tuấn Anh sinh năm 1986, trong gia đình thuần nông, năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Ninh, thay vì ở lại các thành phố lớn làm việc như nhiều bạn bè cùng khóa, anh đã chọn cho mình một lối đi riêng - khăn gói trở về với khao khát và quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Trở về quê, nhận thấy diện tích đất vườn của gia đình lớn, anh quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng chuyên canh rau. Đến năm 2016, khi tỉnh, huyện có chủ trương trồng rau sạch trong nhà lưới, Tuấn Anh đã vận động các thành viên trong gia đình tích cực hưởng ứng. Với hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, công nghệ của tỉnh, cộng với số tiền vay mượn thêm, anh đầu tư nguyên vật liệu xây dựng 1 nghìn m2 nhà lưới với đầy đủ hệ thống tưới nước tự động phun sương và nhỏ giọt, cùng hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, giàn treo, bể trồng rau thủy canh tĩnh… Anh trồng các loại rau như: Bắp cải, Su hào, Súp lơ, rau Dền, Mồng tơi, bí Đỏ, Xà lách, cà Chua, dưa Chuột… Đặc biệt, Tuấn Anh đã nghiên cứu và đưa vào trồng các giống cây nhập khẩu, có giá trị kinh tế cao như: Dưa vỏ xanh giống Nhật Bản, dưa Vàng, Cà chua giống Nhật… Đồng thời, tăng cường trồng các loại rau trái vụ để nâng cao thu nhập.

Tuấn Anh cho biết: “Trồng rau trong nhà lưới có nhiều ưu điểm nổi bật so với phương pháp truyền thống, rút ngắn được 30% thời gian sinh trưởng của cây rau; tăng vụ sản xuất từ 4 vụ/năm lên tối thiểu 8 vụ/năm; giảm thiểu được công lao động trong việc làm cỏ, tưới nước; sản xuất không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, có thể trồng được các loại rau trái vụ với giá trị sản phẩm tăng gấp 2 – 3 lần, năng suất rau tăng trên 40%. Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi đã có một số ý tưởng đổi mới đó là: Sử dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, sản xuất rau theo phương pháp thủy canh tĩnh, trồng rau trên giá thể… Bên cạnh đó, tôi đặc biệt chú trọng đến nguồn nước tưới tiêu, phải là nước giếng sạch; phân bón chủ yếu là phân chuồng, phân hữu cơ đã được xử lý để hạn chế nấm, bệnh. Quá trình chăm sóc, tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, vì vậy các loại rau đều phát triển rất tốt, kể cả các loại rau trái vụ…”.

Với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên các sản phẩm rau trồng trong nhà lưới của gia đình anh được khách hàng ưa chuộng với mức giá bán: Xà lách 40.000 – 50.000 đồng/kg, Bắp cải 15.000 – 20.000 đồng/kg, cà Chua 15.000 – 25.000 đồng/kg, rau cải các loại 20.000 – 30.000 đồng/kg…

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình này, đầu năm 2017, anh đã mở rộng thêm 3 nghìn m2 diện tích nhà lưới, đồng thời xây dựng gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm rau an toàn. Tháng 7.2017, 4 nghìn m2 diện tích rau trong nhà lưới của anh đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với thời gian trung bình từ 30 – 50 ngày cho thu hoạch một lứa đối với các loại rau ăn lá, 70 ngày một lứa Dưa vỏ xanh giống Nhật Bản, dưa Chuột, Cà chua… năm qua thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình anh đạt trên 350 triệu đồng.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của Đoàn Tuấn Anh đã trở thành điểm đến tham quan, học tập của rất nhiều bạn đoàn viên, thanh niên. Anh đã trở thành người truyền cảm hứng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp an toàn cho nhiều bạn trẻ ở địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tuổi trẻ Hoàng Su Phì với phong trào khởi nghiệp

BHG - Những năm qua, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; Huyện đoàn Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Đến nay, đã có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, góp phần động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) cùng tham gia.

27/12/2017
Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay Agribank

BHG - Từ tháng 9.2016, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209  HĐND tỉnh; chàng thanh niên Lục Văn Truân ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã phát triển mô hình khởi nghiệp nuôi ong, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

26/02/2018
Triển vọng Hợp tác xã Thanh niên khởi nghiệp ở Yên Minh

BHG - sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thanh niên khởi nghiệp thời gian qua đã tạo động lực cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh quyết tâm làm giàu từ con đường khởi nghiệp. Qua đó, xuất hiện những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; điển hình như mô hình Hợp tác xã (HTX) Mật ong hoa Bạc hà thôn Nà Tậu, xã Hữu Vinh (Yên Minh).

22/12/2017
Những đảng viên tiên phong khởi nghiệp ở Bắc Quang

BHG - Vào trung tuần tháng 3, theo chân cán bộ Huyện đoàn Bắc Quang, chúng tôi được "mục sở thị" nhiều mô hình phát triển kinh tế của các đảng viên. Những ngày này, tại Hợp tác xã (HTX) Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh, những luống hoa cúc cuối cùng đang được thu hoạch để nhường đất cho việc gieo trồng các loại rau, củ mới. Xuất phát từ ý tưởng đưa cây hoa ly, đào và các sản phẩm nông nghiệp sạch vào sản xuất trong nhà lưới để cung cấp cho thị trường Hà Giang, phương án sản xuất kinh doanh của HTX đã được huyện Bắc Quang chọn là một trong những phương án điểm để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Thông qua cơ chế cho vay đầu tư có thu hồi của huyện, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay 250 triệu đồng không lãi suất  trong thời gian 3 năm từ Quỹ thanh niên khởi nghiệp của huyện để đầu tư sản xuất kinh doanh...

 

21/03/2018