Nguyễn Tiến Thành làm giàu với mô hình trồng cây đinh lăng cao sản
BHG - Phát huy sức trẻ, tinh thần vượt khó làm giàu; anh Nguyễn Tiến Thành ở xã Tiên Nguyên (Quang Bình) đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng cây đinh lăng cao sản cho hiệu quả kinh tế cao. Anh đã và đang truyền “lửa” cảm hứng cho những bạn trẻ thêm ý chí, quyết tâm lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng.
Qua lời giới thiệu của anh Phạm Đình Trung, Bí thư Huyện đoàn Quang Bình, chúng tôi ghé thăm vườn trồng đinh lăng cao sản của anh Nguyễn Tiến Thành ở xã Tiên Nguyên, một trong những mô hình khởi nghiệp thành công trên địa bàn. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan vườn cây, anh Thành vừa chia sẻ câu chuyện lập thân, lập nghiệp của mình. Anh Thành sinh năm 1990, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh không dự thi đại học, cao đẳng mà lựa chọn con đường đi làm, kiếm tiền để tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.
Anh Nguyễn Tiến Thành (người thứ hai từ phải sang) giới thiệu mô hình trồng cây đinh lăng cao sản với các bạn đoàn viên, thanh niên huyện Quang Bình. |
Năm 2014, anh Thành quyết định lên Hà Giang phát triển kinh tế và dừng chân lập nghiệp tại thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên (Quang Bình). Ban đầu, ít vốn, anh tập trung thu mua nông sản địa phương (gạo, chè, cam, măng khô các loại), bán buôn cho các mối hàng dưới Hà Nội. Sau 2 năm tích cóp, đầu năm 2016, anh Thành đã mở được một cửa hàng bán nông sản ở Long Biên, Hà Nội.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu sách, báo, mạng xã hội; anh Thành nhận thấy giống cây đinh lăng cao sản có khả năng trồng tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh mạnh dạn mua 4.000 cây đinh lăng giống từ cơ sở sản xuất giống tư nhân Cường Hằng ở Phú Thọ (cơ sở này đã đảm bảo bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch), đưa lên trồng thử nghiệm tại Quang Bình với hình thức hợp tác cùng hộ dân địa phương (anh Thành bỏ vốn, mua cây giống, đảm bảo nguồn tiêu thụ; hộ dân bỏ đất và công chăm sóc). Anh Thành cho hay: “Cây đinh lăng cao sản dễ trồng, sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, góp phần tận dụng lợi thế về nguồn đất sẵn có, giúp bà con có thêm nguồn thu, cải thiện cuộc sống”.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, số lượng cây giống bị chết hơn 20%. Do đó, số cây còn lại chăm sóc cẩn thận và đều sinh trưởng, phát triển tốt. Được biết, đây là giống đinh lăng cao sản, ưa ẩm và nhiệt độ ổn định, có thể trồng thành vườn hoặc dưới tán cây cổ thụ, giá cây giống dao động từ 2 - 3 nghìn đồng/cây. Trồng khoảng 1,5 - 2 năm là có thể bắt đầu thu hoạch thân và rễ (nhanh hơn gấp đôi so với giống đinh lăng thường) với giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Đến nay, anh Thành có 3 điểm trồng cây đinh lăng cao sản với gần 10.000 cây, gồm: Vườn cây giống ở thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên; thôn Yên Lập, xã Yên Thành và một điểm ở huyện Bắc Quang. Cứ khoảng tầm 8 – 10 tháng, anh Thành lại cắt tỉa thân đem bán (phần rễ vẫn tiếp tục chăm sóc). Mỗi lần được gần một tấn đinh lăng, thu nhập gần 100 triệu đồng. Hiện nay, với nguồn thu ổn định từ cửa hàng thu mua nông sản và vườn trồng đinh lăng cao sản, mỗi năm anh Thành thu được khoảng 250 - 300 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Tiến Thành, anh Phạm Đình Trung Bí thư Huyện đoàn Quang Bình, cho biết: Mô hình khởi nghiệp trồng cây đinh lăng cao sản của thanh niên Nguyễn Tiến Thành cho hiệu quả kinh tế khá cao. Do đó, Huyện đoàn đã và đang phối hợp với anh Thành hỗ trợ vốn mua cây giống và kỹ thuật chăm sóc cho một số bạn đoàn viên, thanh niên quyết tâm lập thân lập nghiệp với mô hình này.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc