Những đoàn viên, thanh niên đi đầu khởi nghiệp ở Đồng Văn
BHG - Theo thống kê đến hết tháng 3.2017, trên địa bàn huyện Đồng Văn có trên 120 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có các mô hình kinh tế nhỏ và vừa. Trong đó có 47 cá nhân và 12 nhóm thanh niên có ý chí, khát vọng vươn lên, mong muốn tham gia vào chương trình khởi nghiệp, làm giầu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Đàn dê của gia đình anh Hoàng Văn Hưởng, thôn Ma Lé, xã Ma Lé không ngừng được mở rộng quy mô. |
Để tìm hiểu rõ hơn về phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Văn, chúng tôi đã đến thăm một số hộ là ĐVTN. Trong ngôi nhà xây 3 gian vững chắc, anh Vàng Mí Sính (sinh 1991), thôn Nhèo Lủng, xã Thài Phìn Tủng nói về chương trình khởi nghiệp của mình: Năm 2011, sau khi tốt nghiệp cấp 3, với mong muốn trở thành một cán bộ được làm việc trong cơ quan Nhà nước; anh Sính đã làm hồ sơ thi và trúng tuyển vào Trường Trung cấp Cầu đường Hà Nội. Trong quá trình học tại trường, anh luôn vượt qua những khó khăn, vươn lên đạt kết quả cao trong học tập và anh vinh dự được kết nạp vào Đảng khi đang học trường. Năm 2013 anh ra trường, về địa phương xin vào làm cho một công ty cầu đường ở huyện Yên Minh. Tuy nhiên do công việc, thu nhập chưa đáp ứng được cuộc sống nên anh quyết định chuyển hướng về nhà làm kinh tế. Ở thôn, anh là một trong những người có trình độ học vấn cao và có sự hiểu biết nhất định; nên anh được Đảng ủy xã tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, kiêm Thôn đội trưởng Nhèo Lủng. Để dân tin, nghe và làm theo; anh tự nhủ mình phải quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế gia đình, nhất là khi trong thôn của anh vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Đầu năm 2016, anh Sính cùng với một số ĐVTN ở thôn thành lập nhóm chăn nuôi bò vỗ béo, lợn sinh sản và nuôi ong nội. Nhóm này thường xuyên có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi, sẵn sàng hỗ trợ, giúp các ĐVTN khác trong thôn về vốn, con giống để cùng phát triển kinh tế. Đến nay, thôn của anh đã có 7 ĐVTN tham gia nhóm phát triển chăn nuôi. Cá nhân gia đình anh Sính hiện có 6 con bò và một đàn lợn 10 con, trong đó anh nuôi 2 con lợn sinh sản để bán con giống cho những ĐVTN có nhu cầu. Hàng năm, từ tiền bán bò nuôi vỗ béo, bán lợn; trừ chi phí anh cũng để ra được 40 triệu đồng. Anh Sính cho biết thêm, số tiền thu nhập hiện tại chưa phải là lớn, nhưng điều quan trọng là anh và một số ĐVTN trong thôn đã tìm được hướng đi riêng cho mình, cùng giúp đỡ nhau vươn lên xây dựng thôn ngày một giầu mạnh.
Cũng giống như anh Sính, anh Trần Xuân Hưởng (sinh 1990), ở tổ 7, thị trấn Đồng Văn. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục - thể thao Bắc Ninh, anh Hưởng xin đi làm hợp đồng tại một trường học trên địa bàn theo Đề án 01 của tỉnh “Hợp đồng sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học là người địa phương vào làm việc tại các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn tỉnh”. Nhưng do không có biên chế, việc xin vào cơ quan Nhà nước làm lâu dài là rất khó khăn, sau 1 năm làm hợp đồng, anh đã xin nghỉ về cùng với gia đình thành lập Hợp tác xã Phong Hưởng do chính anh làm Giám đốc, với ngành nghề chính là nuôi ong, khai thác và chế biến mật ong.
Anh Hưởng tâm sự: Đi học đại học hay vào công tác ở các cơ quan Nhà nước không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp mà có thể bằng nhiều con đường khác nhau, miễn sao là mình quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ. Bản thân mình không được đào tạo, hiểu biết nhiều về lĩnh vực nông nghiệp, nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tiến, cùng lòng quyết tâm tìm hiểu qua sách báo, Internet mình quyết định chọn nghề nuôi ong nội, vì nghề này vừa gần gũi vừa phù hợp với khả năng, điều kiện nuôi của gia đình, địa phương. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay HTX do anh làm chủ đã có 1.000 tổ ong nuôi ở các xã có có diện tích cây Bạc Hà lớn như Thài Phìn Tủng, Tả Phìn, Sính Lủng.
Đối với ĐVTN Hoàng Văn Hưởng (sinh 1987), Dân tộc Giấy, thôn Ma Lé, xã Ma Lé, ngay từ đầu đã chọn con đường lập thân của mình bằng việc nuôi dê sinh sản. Thời gian đầu, do không có vốn nhiều nên anh nuôi 5 đôi dê giống; qua mỗi năm dê sinh sản, anh không bán mà để nuôi. Anh Hưởng là một trong số ít ĐVTN của huyện Đồng Văn may mắn được Trung tâm Khuyến Nông tỉnh chọn triển khai, thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản tại gia đình. Vì vậy, anh đã được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức liên quan đến kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê; kỹ thuật phối giống, phát triển đàn dê... Đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Hưởng thường xuyên duy trì nuôi từ 70 con dê; mỗi năm cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng. Trong thời gian tới, anh dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn dê lên trên 100 con. Tận dụng lợi thế nguồn nước, đất đai để đào ao thả cá, xây thêm chuồng trại để nuôi gà, lợn và chim bồ câu...
Có thể nói, những cách làm, tự tìm hướng đi mới cho tiến trình lập thân, lập nghiệp của những ĐVTN của huyện Đồng Văn đã thể hiện sự năng động, sáng tạo; đó sẽ là động lực thôi thúc thế hệ trẻ tiếp tục vươn lên, vượt qua những trở ngại về điều kiện địa lý, tự nhiên, góp sức trẻ xây dựng quê hương Đồng Văn ngày một đổi mới.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc