Xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan báo chí
BHG - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.
Theo đó, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề, gồm: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá; nhóm ý kiến về chính sách thuế; bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.
Với nhóm ý kiến thứ nhất, Bộ TT-TT đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Theo Bộ TT-TT, Nghị định 60 có các quy định chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công. Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Phóng viên báo, đài trung ương và địa phương tác nghiệp tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc gắn với Hội thảo chè Shan tuyết Hà Giang. |
Về nhóm ý kiến thứ 2, Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi định tính chi phí tiền lương trong giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 60, giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi phí tiền lương trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp… do các bộ, cơ quan T.Ư, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
Trên thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên (nhóm 1), đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) nếu tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo quy định trên không phù hợp với thực tế.
Bộ TT-TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 60 cho phép việc xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng đối với các đơn vị nhóm 1, 2. Cụ thể, đối với các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đơn giá tiền lương theo thực tế 3 năm liền kề của đơn vị khi lập phương án giá dịch vụ. Đối với các đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ được tính theo chi phí tiền lương bình quân thực tế 3 năm liền kề. Việc sửa đổi trên cũng đảm bảo sự thống nhất về tính chi phí tiền lương trong đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công giữa đơn vị đã có định mức kinh tế - kỹ thuật với đơn vị chưa có định mức - kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 điều 5 của Nghị định 60.
Nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành luật giá, trong đó không quy định bộ quản lý ngành, lĩnh vực trách nhiệm thẩm định phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách T.Ư lĩnh vực TT-TT…
Nhóm ý kiến về chính sách thuế, theo Bộ TT-TT, các cơ quan báo chí in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử); trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Vì vậy, Bộ TT-TT đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế. Ngoài ra, Bộ TT-TT còn đề nghị Bộ Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho các cơ quan chủ quản báo chí để giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu.
Những năm qua, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, đã từng bước vượt khó, vươn lên mạnh mẽ; khẳng định rõ vai trò, sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, Báo Hà Giang luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Báo Hà Giang luôn thực hiện đúng phương châm “tăng cường nội dung tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực, tạo đồng thuận trong xã hội.
Mặc dù được Đảng bộ, chính quyền tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, nhân dân tin yêu; nhưng nhìn chung các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, đời sống người làm báo còn hết sức khó khăn. Những kiến nghị trên rất thiết thực, được Bộ TT-TT tổng hợp ý kiến từ các cơ quan báo chí trong cả nước, nhằm cụ thể hoá kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam dịp 21.6 vừa qua nên rất mong sớm được quan tâm, gỡ khó để các cơ quan báo chí và người làm báo nơi địa đầu Tổ quốc hoà cùng hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí và hàng chục nghìn nhà báo trong cả nước phát huy tốt sứ mệnh cao cả của mình.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc