Tại sao chúng ta phải kiên định con đường “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”
BHG - Hiện nay các thế lực thù địch, bất mãn luôn có luận điệu xuyên tạc con đường “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của Đảng ta. Chúng muốn gây hỗn loạn tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng những luận điệu cho rằng, con đường của Đảng ta lựa chọn trên đã lạc hậu, lỗi thời, chỉ là hình thức và mơ mộng hão huyền. Chúng cho rằng, muốn phát triển kinh tế đất nước nhanh thì phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa như các nước phương Tây. Đây là mũi xuyên tạc nhằm suy giảm niềm tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng.
Rợp đỏ cờ Tổ quốc trong ngày Quốc khánh 2.9, tại đường Lâm Đồng, thành phố Hà Giang. |
Có thể nói, cuối thế kỷ 19 và những năm đầu của thế kỷ 20, đất nước ta thực sự khủng hoảng về con đường cứu nước. Đã có nhiều sĩ phu ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng ách thống trị của thực dân Pháp như: Phan Châu Trinh với phong trào Duy Tân; Hoàng Hoa Thám với phong trào khởi nghĩa Yên Thế; Phan Bội Châu với phong trào Đông Du… Tất cả các phong trào đều thất bại và bị đàn áp đẫm máu dưới tay thực dân Pháp. Điều đáng nói là các con đường cứu nước trên đều mang lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Các đường lối và phương pháp này đều không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống trên thế giới.
Nguyễn Tất Thành mặc dù rất khâm phục lòng yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không theo con đường cứu nước đó. Người cho rằng, chủ trương của cụ Phan Châu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương chẳng khác gì “đến xin giặc rủ lòng thương”; chủ trương của cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, chủ trương của cụ Hoàng Hoa Thám tuy thực tế hơn, nhưng không có hướng thoát rõ ràng, “còn mang nặng cốt cách phong kiến”. Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước với mong muốn tìm ra sự thật sau câu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của thực dân Pháp. Sau nhiều năm bôn ba trên thế giới, trên con đường tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, từ đó Người đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Con đường cứu nước này cho phép giải quyết một cách triệt để mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp của xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Như vậy, Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là cơ sở lý luận để Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định lựa chọn con đường mới với mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Chính trị ổn định là tiền đề để tỉnh Hà Giang phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Trong ảnh: du lịch tham quan đèo Mã Pì Lèng |
Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho mọi hành động là vì, Chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết lý luận khoa học; là thành tựu nổi bật và vĩ đại của trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác – Lênin là thắng lợi đỉnh cao của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại, mở đường cho các nước thuộc địa đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nhân dân có quyền độc lập, tự do, và quyền làm chủ. Đây cũng là học thuyết mở để người cách mạng tiếp thu, vận dụng sáng tạo và bổ sung để ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Hiện nay, Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội còn chính từ việc rút ra từ thực tiễn của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển, song bản chất bóc lột của nó không hề thay đổi, thậm chí còn tinh vi hơn. Cùng với đó, sự bất bình đẳng xã hội vẫn gia tăng, giữa các ông chủ và lao động, giữa người nghèo và những người giàu…
Thực tế chứng minh sự đúng đắn của Đảng ta khi tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bằng những thành tựu, kết quả đạt được trong 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945; đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược lần 2 từ năm 1946-1954 bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ; đánh đuổi đế quốc Mỹ sừng sỏ từ năm 1954-1975. Đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới (từ năm 1986) với những quyết sách, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn của đất nước, Việt Nam đã phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội vượt bậc. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác ra thế giới. Việt Nam từ một nước thu nhập trung bình khoảng 200USD/người vào đầu năm 1990, đến 2021 tăng 3.590USD/người, với mức thu nhập bình quân đầu người như vậy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng trở thành nước thu nhập trung bình cao. Về ngoại giao, Việt Nam tiếp tục thể hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Đến nay, chúng ta có quan hệ ngoại giao với 192 nước trên thế giới; là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như: Liên Hợp Quốc, Asean, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC); an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ổn định; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Như vậy, đường lối đổi mới đất nước cũng là cơ sở lý luận quan trọng để chúng ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Một góc của thành phố Hà Giang hôm nay. |
Đối với tỉnh ta, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định: Kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan điểm, đường lối đổi mới và những nguyên tắc trong xây dựng Đảng.
Thực tiễn cho thấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và những quyết sách phù hợp với điệu kiện thực tế của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội tiếp tục được phát triển toàn diện; sức cạnh tranh và quy mô nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm. Chính trị ổn định, biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quốc phòng an ninh được củng cố. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (hết năm 2022) đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng hơn 60% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 7,8%; nông nghiệp được mùa, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,04%; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, có mức tăng khá, công nghiệp - xây dựng tăng 15,25%; dịch vụ tăng 5,97%. Qua 3 năm thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, cựu chiến binh và hộ nghèo toàn tỉnh (2019-2022), đến nay đã hoàn thành xây dựng 6.700 căn nhà cho nhân dân với số kinh phí huy động hơn 1.000 tỷ đồng. Du lịch – dịch vụ tiếp tục được phát huy, khai thác có hiệu quả, bền vững, năm 2022 đã thu hút trên 2,2 triệu lượt khách đến với Hà Giang; 9 tháng của năm 2023 thu hút trên 2 triệu lượt khách. Văn hóa – xã hội được quan tâm và bảo tồn, các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao…
Có những kết quả nổi bật nêu trên là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn là trung tâm của sự đoàn kết, thống nhất ý chí hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để dưới ánh sáng soi đường của Đảng đưa tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Như vậy, với mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn của Đảng và Bác Hồ lựa chọn để giữ vững độc lập cho dân tộc, mang lại cho người dân quyền tự do, quyền làm chủ và ấm no, hạnh phúc mà không phải con đường nào khác. Tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”, để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc