"Đất cằn nhả ngọc" - Kỳ cuối: Hành trình bền bỉ, lâu dài
BHG - Tại hội nghị trực tuyến 3 cấp BCĐ cải tạo vườn tạp (CTVT) trong tháng 6 vừa qua, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV, tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Tiếp tục tuyên truyền, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm triển khai của tỉnh tới nhân dân và gắn chương trình CTVT vào chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân”. Sự khẳng định trên một lần nữa tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng sức dân trên con đường thoát nghèo.
Đồng bào dân tộc Giáy, thôn Vị Ke, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) phấn khởi thu hoạch “quả ngọt” trên mảnh vườn. Ảnh: Minh Đức |
Bức tranh tươi sáng và những “quả ngọt” bước đầu cho thấy, chương trình CTVT là chủ trương đúng, mang tính thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Việc trao “cần câu” thực thụ, không để người nghèo lẻ loi, đơn độc trên hành trình thoát nghèo đã khích lệ người dân tự lực đứng lên, khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Tháng Thanh Bắc, hộ cận nghèo, dân tộc Giáy, thôn Tu Đoóc, xã Đông Minh (Yên Minh) bày tỏ: “Nhiều năm lăn lộn, bươn chải nhưng cuộc sống của gia đình vẫn vô cùng vất vả. Khi được xã lựa chọn CTVT, tôi mừng lắm. Tôi thực sự cảm nhận mình không bị bỏ lại phía sau; giờ đây, tôi có thể tự tin chăm sóc những luống rau, giàn bí nếp trĩu quả và đàn lợn nái đã cho xuất bán được 2 lứa, thu về gần 30 triệu đồng”.
Qua tìm hiểu, cùng với những thuận lợi, quá trình CTVT cũng gặp không ít khó khăn do yếu tố khách quan về địa lý, tâm lý nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa mạnh đầu tư sản xuất. Từ trở ngại này, một số xã chỉ chọn hộ có điều kiện kinh tế, có sẵn tư liệu sản xuất hoặc cán bộ, đảng viên để triển khai CTVT, dẫn đến số hộ CTVT trên trung bình cao hơn so với số hộ nghèo, cận nghèo. Mặc dù, tỉnh vẫn khuyến khích nhân rộng mô hình CTVT cho các hộ trung bình, khá, giàu, nhưng nếu chỉ tập trung vào các hộ này thì dễ bỏ sót đối tượng chính mà mục tiêu nghị quyết hướng tới và đi ngược với quan điểm không phô trương, không chạy theo hình thức, số lượng, thành tích được tỉnh đặt ra trước đó. Đây là thực trạng để các sở, ngành, địa phương cần nhìn lại, từ đó có đánh giá cụ thể, sát thực, đưa chương trình CTVT đi vào thực chất, chiều sâu, mang lại thu nhập cho người nghèo.
Bám sát dòng chảy của nghị quyết, trên cơ sở nguồn vốn được tỉnh phê duyệt, thời gian qua, các phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã kịp thời thẩm định, giải ngân vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo. Qua thẩm định, toàn tỉnh có 531 hộ đủ điều kiện vay vốn CTVT; 338 hộ đã được giải ngân với tổng số tiền 9,8 tỷ đồng, đạt 63,6% kế hoạch. Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nguồn vốn vay đủ đáp ứng nhu cầu CTVT năm 2021. Ngân hàng đang tiếp tục giải ngân, thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sử dụng đồng vốn, tránh tình trạng người dân không quay vòng vốn để tái đầu tư sản xuất. Song bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách vốn vay đến đúng đối tượng và định hướng cho bà con duy trì, phát triển kinh tế vườn hộ. Như vậy mới “kích thích” người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Anh Tháng Thanh Bắc, thôn Tu Đoóc, xã Đông Minh (Yên Minh) kiểm tra sự phát triển của vườn bí. |
Tương lai không xa, các sản phẩm trong chương trình CTVT được kỳ vọng trở thành hàng hóa. Một trong những giải pháp tìm cơ hội đầu ra ổn định cho nông sản được ngành Nông nghiệp đặt ra là tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào CTVT, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tổ chức cho các hộ cải tạo vườn theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và đẩy mạnh các kênh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Tuy vậy, các địa phương cần linh hoạt, kết nối thị trường sẵn có tại địa bàn bằng hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với các trường học, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng... như một số huyện: Vị Xuyên, Yên Minh, Quản Bạ đang triển khai - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vũ Văn Hiếu cho hay.
Theo mục tiêu phấn đấu, đến hết năm 2025, chương trình CTVT sẽ giúp hơn 6.500 gia đình phát triển kinh tế vườn hộ trong toàn tỉnh có thu nhập khá, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, phát triển KT - XH tại địa phương. Kiên định mục tiêu, thành quả và xác định CTVT là quá trình liên tục, không có điểm dừng, chắc chắn đem đến sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân theo đúng 1 trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ.
Bài, ảnh: MỘC LAN - PHẠM HOAN
[links()]