Cải tạo vườn tạp, những đổi thay tích cực ở thị trấn Đồng Văn
BHG - Những vùng đất bỏ hoang cằn cỗi, không mang lại giá trị kinh tế trên thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) nay đã được phủ xanh bởi những vườn rau, vườn cây ăn quả xanh mướt. Từ khi Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh được triển khai đã dần hình thành những vùng chuyên canh rau, cây ăn quả đặc trưng của địa phương.
Cán bộ thị trấn Đồng Văn kiểm tra mô hình trồng xen canh mận Tam hoa và Dưa chuột của gia đình anh Ly Mí Cấu. |
Thị trấn Đồng Văn là địa phương vùng biên đi đầu truyền tải Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh tới từng người dân, giúp tạo ra những hướng đi thiết thực. Người dân đã không còn phải đi lao động ở các tỉnh, thành phố khác, mà nay đã ổn định, chuyên tâm vào chăm sóc cây trồng, tạo sinh kế vững bền trên chính mảnh đất quê hương. Trong đó, tiêu biểu là gia đình anh Ly Mí Cấu, thôn Sì Phài, là Bí thư Chi bộ với chức trách của người đảng viên, nói được, làm được, anh luôn làm gương đi trước, để quần chúng nhân dân học hỏi, làm theo. Anh Cấu xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế trên chính mảnh vườn, đồi của gia đình là hướng đi hữu hiệu, mang nguồn thu nhập vững chắc, lâu bền. Lựa chọn cây Mận Tam hoa làm cây trồng chủ lực để cải tạo 2.000 m² đất cằn cỗi, trước đây anh chủ yếu trồng củ cải, đậu Răng ngựa nhưng không mang lại giá trị kinh tế cao. Sau 1 thời gian trồng, cây Mận Tam hoa hợp thổ nhưỡng đã sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tán đều. Để có thêm thu nhập anh trồng xen canh Dưa chuột, với hình thức lấy ngắn nuôi dài, sau mỗi vụ Dưa chuột phần gốc, thân, lá cây cằn già cỗi hoai mục, tạo phân bón, tăng độ dinh dưỡng cho đất, giúp cây Mận Tam hoa phát triển khỏe mạnh. Anh Cấu chia sẻ: Thấy mô hình trồng xen canh giữa Mận Tam hoa và Dưa chuột mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong và ngoài thị trấn tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Vốn là người đảng viên, tôi đã thực hiện được những điều đã nói và áp dụng thành công vào thực tiễn; sẵn sàng chia sẻ hết những kỹ thuật chăm bón, nâng cao năng suất cây trồng, giúp người dân yên tâm sản xuất, đem lại nguồn thu nhập vững bền trên chính mảnh vườn, đồi của gia đình.
Gia đình anh Vừ Mí Pó, thôn Ngài Lủng cũng là 1 trong những hộ tiêu biểu đi đầu về thực hiện cải tạo vườn tạp tại địa phương; trước đây với diện tích vườn, đồi 2.030 m² trồng cây ngô không mang lại hiệu quả kinh tế, nhờ sự vận động của thị trấn anh Pó thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất; thực hiện chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang trồng cây lê Đài Loan, vốn là giống cây ôn đới phù hợp với khí lạnh vùng biên. Sau thời gian chăm sóc, cây phát triển nhanh chóng, không bị sâu bệnh, mang lại tín hiệu đầy khả quan về sản lượng quả đạt chất lượng, số lượng cao trong tương lai không xa.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Văn, Hoàng Ngọc Linh cho biết: Trên địa bàn thị trấn hiện nay thực hiện cải tạo vườn tạp được 39 hộ, với diện tích 84.600 m² chuyển đổi từ những vùng đất trồng cây kém hiệu quả sang những cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu lạnh của vùng biên. Nhiều gia đình đã có việc làm, thu nhập ổn định, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trái đa dạng của địa phương. Thời gian tới, thị trấn tiếp tục vận động người dân chuyển đổi những cây trồng năng suất thấp, không có giá trị kinh tế sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác, thực tiễn địa phương.
Thu nhập của người dân thị trấn vùng biên giới Đồng Văn không ngừng được tăng cao, đồng bào nơi đây dần thay đổi lối sống, cách canh tác theo bản năng, đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những hướng đi tiềm năng, lấy nông nghiệp làm trọng tâm để phát triển kinh tế, giảm nghèo vững.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH