Thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá

14:14, 27/03/2021

BHG - Mèo Vạc có đặc thù địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; tập quán canh tác truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Giải quyết tình trạng đó, địa phương tập trung triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo hướng thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sinh kế giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Mèo Vạc giúp người dân xã Tả Lủng xếp đá tạo mặt bằng cải tạo vườn tạp.
Cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Mèo Vạc giúp người dân xã Tả Lủng xếp đá tạo mặt bằng cải tạo vườn tạp.

Dễ dàng nhận thấy phương thức tổ chức không gian sống và canh tác của người dân Mèo Vạc có đặc thù canh tác xen canh, không có ranh giới xác định diện tích khu vực làm vườn với khu vực khác của hộ. Việc bố trí, sắp xếp vị trí nhà, chuồng trại và vườn chưa hợp lý; nhất là khu vực chứa chất thải gia súc, nhiều gia đình còn để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và chưa tạo thành nguồn phân hữu cơ. Người dân chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao trong sản xuất. Mặt khác, cơ cấu số lượng, chủng loại của cây trồng vườn hộ rất đa dạng và biến động theo từng gia đình, chủ yếu phân thành 2 nhóm cây trồng chính, gồm: Nhóm cây trồng lâu năm, cây ăn quả (mận, lê, đào, hồng không hạt, xoài...) và cây lâm nghiệp (sa mộc, xoan, lát, óc chó, táo mèo, luồng...); nhóm cây trồng hằng năm chủ yếu là các loại cây rau, đậu các loại, cây gia vị, cây dược liệu và cỏ chăn nuôi. Hầu hết nhóm cây trồng hằng năm chủ yếu trồng xen canh dưới tán nhóm cây lâu năm trên cùng diện tích, giá trị kinh tế thấp.

Nhận diện việc thực hiện tốt cải tạo, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, tạo liên kết giữa các hộ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất giúp kinh tế vườn hộ trở thành sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; cải thiện dinh dưỡng cho các hộ dân, huyện Mèo Vạc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người dân cải tạo vườn tạp phù hợp với điều kiện từng địa bàn với cách làm khoa học, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Mục tiêu của huyện đặt ra không chỉ là khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ, nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, tăng giá trị nhiều lần so với trước khi cải tạo mà hơn hết đó là thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp. Thông qua việc hướng dẫn ứng dụng tiến bộ KHKT, đặc biệt là giống và quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng phù hợp với phát triển kinh tế vườn hộ sẽ giúp người dân nhận thức được việc cải tạo vườn tạp là để phục vụ cho chính các thành viên trong gia đình, là xây dựng NTM từ mỗi gia đình. Hình thành trong nhân dân ý thức liên kết trong sản xuất và chăn nuôi để có nguồn sản phẩm lâu dài, bền vững cung cấp ra thị trường.

Nhằm tạo động lực để hộ khá làm giàu; hộ nghèo, cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn của minh, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhất là thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cải tạo vườn tạp để lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các hộ, giữa công chức, viên chức với các gia đình, huyện Mèo Vạc tiến hành quy hoạch, sắp xếp bố trí lại không gian vườn hộ hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuẩn bị sơ đồ cải tạo, nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, huy động lực lượng giúp hộ nghèo cải tạo vườn tạp. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất sản xuất, tổ chức cải tạo, xếp đá đổ tầng mặt đất để tạo vườn. Áp dụng KHKT để khắc phục khó khăn của địa phương, như tiết kiệm nước tưới, di dời chuồng trại xa nhà, cải tạo khu xử lý chất thải gia súc làm phân bón phục vụ cải tạo vườn tạp; hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cấp ủy, chính quyền các cấp huy động lực lượng giúp đỡ người dân ngày công, hỗ trợ vật tư, cây, con giống, phân bón, kết nối tiêu thụ sản phẩm... 

Đồng chí Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc chia sẻ: Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá đạt 700 hộ, tương ứng 700 vườn trở lên, huyện thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và xã; phân công các đồng chí ủy viên BTV Huyện ủy, tổ công tác phụ trách các xã, thị trấn tuyên truyền và huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp tại địa bàn được phân công. Các cơ quan, đoàn thể huyện phân công cán bộ, đảng viên tham gia lao động xây dựng NTM ngày thứ 7 hàng tuần gắn với hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và lấy làm lực lượng nòng cốt trong công tác chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi đến từng hộ dân…

Để thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá Mèo Vạc không phải là chuyện một sớm, một chiều; nhưng với sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng tình hưởng ứng của người dân có thể đặt nhiều kỳ vọng vào Chương trình Cải tạo vườn tạp sẽ tạo ra một lớp tư duy sản xuất mới, thay thế tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Hơn hết, những mảnh vườn sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào biên cương. 

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đầu ra cho sản phẩm cải tạo vườn tạp ở Khuôn Lùng

BHG - Xác định cải tạo vườn tạp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã xây dựng lộ trình cụ thể và có phương án hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xã phấn đấu cải tạo 20 vườn mẫu tiêu biểu, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

26/03/2021
"Hồi sinh" những mảnh vườn trên đá

BHG - Những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc đang từng ngày được "hồi sinh" khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nông dân cải tạo vườn tạp. Thực tế gieo trồng trên mảnh vườn của các hộ huyện Mèo Vạc hiện đa số quảng canh, tự cung, tự cấp. Sản phẩm tăng gia từ vườn tuy đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu, nhưng chưa thực sự đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày.

25/03/2021
Ba cốt lõi trong cải tạo vườn tạp ở Vị Xuyên

BHG - Tập trung tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; quy hoạch vùng và xác định nguồn cây giống phù hợp; chú trọng tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân là ba cốt lõi quan trọng trong thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Vị Xuyên.

 

24/03/2021
"Cầm tay chỉ việc" giúp hội viên cải tạo vườn tạp

BHG - Hỗ trợ hội viên quy hoạch lại vườn, cung ứng giống tốt, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vay vốn ưu đãi... là những giải pháp "Cầm tay chỉ việc" mà Hội Nông dân (HND) các cấp đang triển khai thực hiện để hỗ trợ hội viên cải tạo vườn tạp.

 

23/03/2021