Những tấm gương đi đầu cải tạo vườn tạp ở Đồng Văn
BHG - Những vườn hoang mọc đầy cỏ dại nay đã không còn nhiều, các gia đình ở huyện Đồng Văn đã thay đổi tư duy; từ khi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai đến từng người dân, Bà con mừng vui, phấn khởi, cùng đồng lòng quyết tâm cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế để nâng cao đời sống.
Cán bộ huyện kiểm tra vườn lê Đài Loan của gia đình anh Vừ Mí Cấu, thôn Sà Tủng Chứ, xã Tả Phìn. |
Đồng Văn - huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, đá giăng trùng điệp, xen kẽ là những mảnh vườn tạp bỏ hoang hay chỉ trồng ngô truyền thống, ít giá trị kinh tế; người dân luôn trong tình trạng thiếu thốn. Nghị quyết 05 được triển khai vào cuộc sống, nhiều địa phương trong toàn huyện, người dân đang nô nức thi đua, cùng nhau góp sức cải tạo vườn tạp; có nhiều cá nhân tiêu biểu đi đầu về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả, giúp nâng tầm đời sống. Trong đó, phải nhắc đến gia đình anh Vừ Mí Cấu, thôn Sà Tủng Chứ, xã Tả Phìn là 1 trong những hộ tiên phong đi đầu thực hiện chuyển đổi 1.800 m² trồng củ cải sang trồng 80 cây lê Đài Loan; là giống cây ôn đới thích hợp với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng của địa phương, sau 1 thời gian, cây lê sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến gần 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch quả, sản lượng 2,5 tấn, với giá 20.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại 40 triệu đồng/năm. Anh Cấu tâm sự: Từ khi Nghị quyết 05 triển khai, tôi đã nghiên cứu và thấy nhiều lợi ích. Gia đình đã mạnh dạn phá bỏ cây trồng kém hiệu quả sang trồng những giống mới, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các thành viên trong gia đình đã không còn phải đi làm ăn xa, mà cùng nhau chuyên tâm vào chăm sóc vườn lê Đài Loan; đặt hy vọng vào sự dẫn lối, chỉ đường của Đảng.
Gia đình chị Mua Thị Máy, thôn Há Đề, xã Sính Lủng cũng là 1 trong những hộ tiêu biểu về thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn cải tạo vườn tạp. Với 1.100 m² vườn để hoang sang trồng những loại rau như: Bắp cải, Su hào, Súp lơ… phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhờ sự vận động của cấp ủy, chính quyền, gia đình chị Máy đã chăm chỉ lao động để có được công việc ổn định trên chính mảnh vườn của mình. Chị Máy thổ lộ: Ngày trước, gia đình tôi không chú tâm vào trồng trọt, các thành viên thường lên núi lấy củi xuống chợ bán, cuộc sống nghèo khó không đủ ăn. Nhưng được sự vận động của huyện, xã về cải tạo vườn tạp đầy thiết thực, nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững; được hỗ trợ cây giống, nguồn vốn vay ưu đãi; hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm... gia đình đã xóa bỏ những thói quen cổ hủ trong canh tác.
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT, Nguyễn Thanh Viễn cho biết: Hiện nay có 20 hộ tiêu biểu đi đầu trong thực hiện cải tạo vườn tạp với tổng diện tích 15.765 m², người dân đã thấu hiểu được những lợi ích vốn có về phát triển kinh tế hộ gia đình. Chuyển đổi những cây trồng không mang lại hiệu quả sang trồng những cây có giá trị cao, giúp người dân ổn định đời sống, tạo công việc ổn định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu vững trãi trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH
Ý kiến bạn đọc