Đổi thay mạnh mẽ ở vùng đồng bào Mông
BHG - “Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người Mông ở trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đã thay đổi. Bà con đã biết cách làm ăn, nên cuộc sống khá hơn rất nhiều; ngày xưa toàn ăn mèn mén (ngô), rau rừng… bây giờ thì gạo nhiều, thậm chí gạo Khẩu Mang của người Mông còn là đặc sản; xe máy mỗi nhà cũng có 1-2 chiếc rồi…” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sà Phìn (Đồng Văn), Sùng Pà Say phấn khởi cho biết.
Trung tâm xã Sà Phìn (Đồng Văn). |
Bản Mông chuyển mình
Chúng tôi đến bản Mông ở xã Sà Phìn vào những ngày cuối Thu, thời điểm bắt đầu mùa du lịch Lễ hội Hoa Tam giác mạch. Đây là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của huyện Đồng Văn, bởi nó còn lưu giữ được kiến trúc Nhà Vương in đậm dấu ấn truyền thống và lịch sử một thời, với phong cảnh đẹp hùng vĩ riêng có của Cao nguyên đá.
Nghệ nhân Vàng Thị Cầu, Giám đốc HTX Lanh Trắng chia sẻ, trước đây không ai nghĩ con gái người Mông sẽ làm chủ một cơ sở kinh doanh. Vậy mà bây giờ nghề dệt lanh ít ai chú ý đến lại có cơ hội phát triển, mang về thu nhập cho nhiều chị em. Trước đây nghề dệt lanh cũng có nhiều thăng trầm, song những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh và huyện đã có những chính sách phát triển làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt lanh của người Mông. Các sản phẩm của bà con làm ra cũng được tỉnh, huyện định hướng trở thành hàng hóa giúp phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, sản phẩm lanh ngày càng được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Ai Cập, trưng bày tại một số sự kiện của Liên hiệp quốc. Với chính sách phát triển mạnh các làng nghề truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Ly Chá Tú, thôn Há Hơ, xã Sà Phìn thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm từ nuôi bò. |
Anh Ly Chá Tú ở thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, là người Mông sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền trong phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh và Trung ương với thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm, cho chúng tôi biết: Có được kết quả như hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của bản thân, phải kể đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đó là thực hiện chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo AN-QP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đầu tư về hạ tầng như đường giao thông, điện lưới giúp người dân giao thương thuận lợi hơn. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người dân trồng cỏ nuôi bò, cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mua con giống, sửa chữa chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi; sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc, vỗ béo bò… Nhờ đó, mỗi năm nhà tôi xoay vòng bán được 30 – 40 con bò, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Hiệu quả của công tác dân vận
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 90% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào Mông chiếm nhiều nhất, hơn 30%; thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí Thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Lù Thị Hà cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm trên 6%/năm. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030.
Trước đây, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo cao, công tác GD-ĐT còn nhiều hạn chế; nhiều nơi đồng bào thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt… Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách của Đảng, Nhà nước như tăng cường đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc, đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến rõ nét. Với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, 100% xã có đường ô-tô được kiên cố hóa đến trung tâm xã, có trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, 100% xã và trên 80% thôn có điện lưới, vấn đề thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt cơ bản được giải quyết.
Nhờ đổi mới công tác dân vận, không ngừng nâng cao hiệu quả phong trào thi đua, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được người dân tiếp cận nhanh hơn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống kinh tế người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào thi đua đã khích lệ quần chúng nhân dân phát huy nội lực, tích cực tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều nơi đã xuất hiện những hộ kinh tế thuộc loại khá. Gặp chúng tôi tại Phố cổ Đồng Văn, ông Nguyễn Thế Đường, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Văn phấn khởi cho biết: “Đời sống của đồng bào mình thay đổi nhiều lắm; được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, giờ có đường ô-tô, hồ treo, rồi kết nối mạng, phát triển du lịch, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên làm thị trấn khang trang, đẹp đẽ. Nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất, nhiều nhà mua được xe ô-tô… Để thay đổi được nhận thức của nhân dân cũng là cả một quá trình, trong đó việc vận động cần nhất vẫn là “nói đi đôi với làm”, thấy lãnh đạo nói đúng, hiệu quả thì bà con sẽ tin, ủng hộ.
Từ công tác dân vận, người dân đã biết tận dụng hàng loạt chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, đời sống được nâng lên rõ rệt. Qua đó đã có nhiều điển hình “dân vận khéo” được nhân rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, xóa nghèo bền vững cho người dân. Làm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua đổi mới công tác dân vận, các cấp chính quyền đã đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, vai trò nêu gương “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu được phát huy. Hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số có bước trưởng thành. Góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng nhân dân, cũng là một trong những nội dung đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc