Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

10:58, 07/03/2019

BHG - Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện năng lực và bản lĩnh của Bác, là kết quả của cả quá trình rèn luyện, trong đó việc Bác bôn ba tìm đường cứu nước đã lĩnh hội cả hai nền văn hóa, châu Á và châu Âu; phương Đông và phương Tây để làm giàu trí tuệ của mình và tìm lời giải cho cách mạng Việt Nam một cách độc lập, tự chủ, sáng tạo, không lệ thuộc, không máy móc. Chúng ta gọi tư duy của Hồ Chí Minh là nhà biện chứng thực hành.

Có bao ví dụ sinh động về Bác để chúng ta rút ra bài học, điển hình như luận điểm của Bác nói về chủ nghĩa thực dân như con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu chính quốc, một vòi hút máu thuộc địa; nếu không đồng thời cắt bỏ 2 vòi đó thì cách mạng khó thành công. Đây là tư tưởng cách mạng triệt để của Bác, được Bác diễn đạt dễ hiểu, dễ gần với cuộc sống; cũng như Bác ví cách mạng trong nước với cách mạng quốc tế, nó như một con chim hai cánh, một cách vỗ về thuộc địa, một cách vỗ về chính quốc. Sau này chúng ta tổng kết lại nguyên lý đó là chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân.

 

Hay Bác nói, Đảng ta là một Đảng cách mạng chân chính, ở đây Bác dựa trên học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin, nhưng khi diễn đạt Bác nói Đảng là đạo đức, Đảng là văn minh. Trong khi Lênin nói, Đảng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của thời đại. Các nhà kinh điển định nghĩa cách mạng hết sức là hàn lâm, bác học dưới lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Bác chỉ nói giản dị: Cách mạng là phá cái cũ đổi cái mới; xây dựng cái mới tiến bộ và phát triển. Đấy là những tư duy rất sáng tạo, độc lập, bản sắc riêng của Bác Hồ mà chúng ta cần phải học cả trong cách nói, cách viết và hành động.

Sinh thời, Bác thấy chúng ta thường tách rời lý luận với thực tiễn. Đây là nhược điểm không chỉ trong tư duy mà cả trong hành động. Bác để lại cho chúng ta những luận điểm vô giá: Thực hành sinh ra hiểu biết; hiểu biết tiến lên lý luận; lý luận lãnh đạo thực hành. Đây không chỉ đặc sắc trong diễn đạt mà là kết quả của hành động khoa học, hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và còn rất nhiều những dẫn chứng khác chứng minh phong cách độc đáo của Bác không chỉ trong chính trị mà cả trong văn chương, nghệ thuật.

Trong những năm 1960, khi tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các Đảng Cộng sản bất đồng quan điểm, ý kiến; Bác nói: Ta và Liên Xô rất khác nhau, khác nhau về lịch sử, về trình độ phát triển, khác nhau cả về văn hóa, chúng ta làm khác với Liên Xô nhưng vẫn là người Mác xít. Dù tham khảo kinh nghiệm nước ngoài là quý, nhưng chúng ta phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, không giáo điều, sao chép… Hay Bác lại nói: Học Chủ nghĩa Mác – Lê nin không phải học thuộc lòng câu chữ như một con vẹt, mà cốt là nắm được nội dung tư tưởng và phương pháp để ứng xử với con người và công việc đạt kết quả cao. Đây là những dẫn chứng nói lên phong cách độc lập, tự chủ, không giáo điều, đề cao lý luận khoa học cách mạng của Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Đảng ta đã có nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, giải quyết mối quan hệ giữa dạy chữ, dạy nghề với dạy người. Chuyển từ trang bị tri thức sang đào tạo và hoàn thiện nhân cách. Dạy chữ chỉ là điều kiện, dạy nghề là tạo cho con người độc lập, sáng tạo và hành động trong cuộc sống. Nhưng dạy người mới là quan trọng (nhân cách), vậy nên phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể áp dụng vào lĩnh vực giáo dục. Mà chính Bác cũng là một nhà giáo, Bác có diễn giải giáo dục sâu sắc, nhất là vấn đề phương pháp, mục tiêu. Đặc biệt chú trọng, phù hợp với đối tượng, đây là vấn đề mà chúng ta cần áp dụng trong cải cách giáo dục hiện nay.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018

BHG - Ngày 29.8, Cụm thi đua số 1, Công đoàn viên chức tỉnh đã tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ. Tới dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn viên chức tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn.

30/08/2018
Vai trò của con người trong sự nghiệp cách mạng và phát triển xã hội

BHG - Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ, trong cuộc hành trình 30 năm tìm chân lý cho cách mạng Việt Nam, Bác đã đi qua hơn 40 nước trên thế giới, chính vì vậy Bác đã tích lũy cho mình một vốn sống và kinh nghiệm vô cùng phong phú. Trong tất cả những kinh nghiệm và tri thức ấy, Hồ Chí Minh nổi bật là tri thức về vai trò của con người. Bác đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng thấm thía về vai trò của con người trong sự phát triển xã hội và sự nghiệp cách mạng.

30/06/2018
Những câu chuyện cảm động về hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ (tiếp theo kỳ trước)

BHG - Có một điều đặc biệt, đó là cuộc hành trình bôn ba của Bác sau 10 năm lại có bước ngoặt (1911 – 1920). Bác từ một người yêu nước trở thành một người Cộng sản. Bác sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác ủng hộ Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) là quốc tế duy nhất trên thế giới ủng hộ giải phóng các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

29/08/2018
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam (tiếp theo kỳ trước)

BHG - Có nhiều câu chuyện cảm động về Bác với Đảng để chúng ta noi gương. Là lãnh tụ của Đảng nhưng Bác sinh hoạt chi bộ rất đều đặn, trong thực tế hiện nay nhiều khi vì công việc bận rộn mà ta ít để ý chuyện sinh hoạt chi bộ cơ sở. Bác sinh hoạt chi bộ với những đảng viên rất bình thường như lái xe, phục vụ, bảo vệ… mà Bác biết trình độ anh em còn hạn chế nhưng Bác luôn hòa mình vào quần chúng.

28/01/2019