Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng: Kỳ cuối - Còn đó những việc cần làm
BHG - Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) đã tạo ra “làn gió mới” trong xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản cần tháo gỡ để hoạt động của Hội NNDG phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá trong phát triển KT-XH.
Múa khèn Mông - một hoạt động văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông huyện Mèo Vạc. |
Nhận diện “nút thắt”
Hội NNDG xã Phố Cáo (Đồng Văn) có tổng số 69 hội viên. Hàng năm, Hội được hỗ trợ 10 triệu đồng theo Nghị quyết 56, ngày 3.12.2021 của HĐND tỉnh quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022. Trong tổng số 10 triệu được cấp, Hội chi 3 triệu đồng cho hoạt động sơ kết, 3 triệu đồng cho hoạt động tổng kết, 4 triệu đồng còn lại chi công tác khen thưởng cho các hội viên tiêu biểu, chi văn phòng phẩm.
Chủ tịch Hội NNDG xã Phố Cáo Vàng Chá Thào trăn trở: Mặc dù không có tiền trợ cấp nhưng chúng tôi đã khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy khèn Mông, các làn điệu dân ca, hát, phục dựng lễ vào nhà mới, lễ đặt tên của đồng bào dân tộc Mông, sưu tầm các hiện vật… Những việc làm đó đều xuất phát từ tinh thần, trách nhiệm với đồng bào, dân tộc mình nhưng về lâu dài thì Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho các hội viên Hội NNDG để nâng cao chất lượng hoạt động.
Nghệ nhân dân gian Vàng Chá Thào (thứ 3 bên trái), xã Phố Cáo (Đồng Văn) chia sẻ với phóng viên về việc truyền dạy văn hóa của dân tộc Mông cho thế hệ trẻ. |
Chung niềm trăn trở, NNDG Triệu Chòi Quyên, thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Các hội viên Hội NNDG là những người nòng cốt, đóng vai trò chính trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, xứng đáng được Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng nguồn kinh phí hoạt động cho các Hội NNDG, kinh phí hỗ trợ hàng tháng cho các hội viên; hàng năm được đi tập huấn, học tập kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại các huyện, tỉnh bạn để có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong phục dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Thị Hoài cho rằng: Với các NNDG, câu chuyện không phải là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hàng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao. Thực tế những năm qua chính sách của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa chưa tác động nhiều đến các nghệ nhân, những người nắm giữ tinh thần cho di sản. Vì vậy, cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, duy trì sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe để họ có thể cống hiến cho cộng đồng; phát huy các tri thức đang nắm giữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Theo đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Hoạt động Hội NNDG được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu; nhận thức của nhân dân từng bước được nâng lên, nhất là ý thức tự giác thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, xóm, khu dân cư… Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động Hội NNDG còn bộc lộ hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chưa quan tâm đến vai trò, vị trí của Hội NNDG; việc kết nạp hội viên mới còn dàn trải nên chưa phát huy hết được vai trò, hiệu quả hoạt động chưa cao; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động Hội còn quá thấp, các hội viên không có tiền phụ cấp; một số tổ chức Hội chưa có quy định, quy chế hoạt động riêng cho từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tín ngưỡng dân gian…
Đồng bộ giải pháp tháo gỡ
Quan điểm, chủ trương của tỉnh là tiếp tục nhân rộng mô hình Hội NNDG trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát huy vai trò của các NNDG để bài trừ hủ tục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc gắn với xây dựng Nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, phát triển làng nghề. Việc thành lập các Hội NNDG ở địa phương phải được khảo sát kỹ, phát huy vai trò của Hội theo hướng tích cực, các bước thành lập và hoạt động phải tuân theo quy định của pháp luật; coi trọng chất lượng, kinh nghiệm và trách nhiệm của người đứng đầu Hội và các nghệ nhân. Các địa phương quan tâm phát huy những cách làm hay, sáng tạo ở cơ sở; có cơ chế đặc thù để thu hút, khuyến khích của nghệ nhân tham gia hoạt động Hội. Xây dựng đề tài, đề án bảo tồn, gìn giữ và phát triển các loại hình văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống.
Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức hàng năm. |
Nghệ nhân Hoàng Văn Sơn, dân tộc Giáy, xã Đông Minh (Yên Minh) trăn trở: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm thường xuyên, lâu dài, nhiều nội dung; trong khi đó, không ít nghệ nhân được tôn vinh tuổi đã cao, sức khỏe yếu, địa bàn hoạt động rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nét văn hóa có nguy cơ mai một. Vì vậy, việc bảo tồn văn hóa truyền thống rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Từ 1.8.2023, theo Nghị quyết số 14, ngày 15.7.2023 của HĐND tỉnh, các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sẽ được hỗ trợ kinh phí, với định mức 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân nhân dân và 1 triệu đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân ưu tú. Sự hỗ trợ này là động lực để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh: “NNDG vừa là chủ thể lưu giữ bản sắc văn hóa đồng thời họ cũng là địa chỉ khu trú hủ tục nên khi phát huy được vai trò của NNDG sẽ cải tạo, thay thế và bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với tỉnh Hà Giang, tôi đánh giá rất cao hoạt động của Hội NNDG. Đặc biệt, cấp ủy tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trong đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội NNDG, nhất là bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Kết quả đạt được đã chứng minh vai trò hoạt động của Hội NNDG là giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài, là cách làm, kinh nghiệm rất hay của Hà Giang để các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hủ tục học tập, tổ chức thực hiện trong thời gian tới”.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, lối sống, có trách nhiệm với xã hội và từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng con người mới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 4.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về triển khai hoạt động mô hình Hội NNDG giai đoạn 2021 – 2025; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động Hội NNDG; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, trong đó lấy người có uy tín, trưởng dòng họ, cán bộ, đảng viên làm nòng cốt. Thường xuyên sưu tầm các di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên Hội NNDG phổ biến và truyền dạy di sản văn hóa giúp cho thế hệ trẻ, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Khuyến khích, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn với tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Nông thôn mới…
Những hủ tục được đẩy lùi, cuộc sống mới đang về trên những bản làng lưng chừng núi. Hình ảnh những NNDG miệt mài gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc như cây Sa mộc trên Cao nguyên đá, trở thành điểm tựa vững chắc trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Bài, ảnh: NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc