Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng: Kỳ 4 - “Giữ lửa” nghề truyền thống
BHG - Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) là truyền dạy và làm nghề truyền thống. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, các làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trên miền biên ải Hà Giang đang được các nghệ nhân “thắp lửa”, góp phần quan trọng bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nghệ nhân dân gian xã Cao Bồ (Vị Xuyên) “giữ lửa” nghề chạm bạc truyền thống của đồng bào Dao. |
Những nghệ nhân giữ “lửa nghề”
Bà Vàng Thị Mai, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) sinh năm 1962 trong gia đình dân tộc Mông nghèo khó. Từ nhỏ, như bao cô gái Mông khác, bà Mai cũng được mẹ dạy cách dệt vải lanh truyền thống. Người Mông quan niệm phụ nữ trước khi về nhà chồng đều phải biết tự dệt cho mình những bộ quần áo mặc trong ngày cưới, nghề dệt vải lanh vì thế cũng tồn tại lâu đời trong đời sống người Mông. Tuy nhiên, trước sự phát triển của KT - XH, nghề dệt vải lanh dần mai một. Là một người yêu cái đẹp và truyền thống văn hóa dân tộc, bà Mai luôn trăn trở phải làm gì đó để người phụ nữ Mông có thêm thu nhập, giảm nghèo và giới thiệu, quảng bá văn hóa của dân tộc Mông tới du khách trong và ngoài nước.
Nói là làm, năm 1998, bà xây dựng xưởng sản xuất vải lanh, vận động 10 chị em trong thôn cùng chung tay làm. Bà lặn lội khắp các địa phương trong nước, tham gia hội chợ để tự tay mình giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm dệt lanh của bà Mai và các chị em thôn Hợp Tiến được đón nhận. Năm 2001, bà Mai thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Hợp Tiến để mở rộng quy mô sản xuất. Mỗi sản phẩm dệt lanh hoàn chỉnh phải trải qua hơn 40 công đoạn bằng phương pháp thủ công truyền thống qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Bởi vậy, việc truyền dạy kỹ năng dệt lanh cho thế hệ trẻ vô cùng quan trọng. Ngoài việc thu hút, tạo việc làm cho hơn 100 thành viên HTX, bà Mai tích cực truyền dạy nghề cho phụ nữ địa phương, đặc biệt là các em gái có hoàn cảnh khó khăn. Sau 20 năm bền bỉ, bà Vàng Thị Mai đã làm “sống” lại làng nghề truyền thống của dân tộc, sản phẩm của HTX dệt lanh Hợp Tiến được thị trường đón nhận, xuất khẩu ra 20 nước trên thế giới, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều phụ nữ địa phương. Với những cống hiến to lớn của mình, năm 2015, bà Vàng Thị Mai vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nghề sản xuất giấy Bản ở thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) được các nghệ nhân dân gian gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ. |
Nếu ai từng lên với Hà Giang, sẽ không còn xa lạ với tiếng khèn Mông da diết gọi mời. Tiếng khèn được ví như “linh hồn” của người Mông, bởi vậy việc chế tác khèn Mông được truyền từ đời này sang đời khác. Khèn Mông là nhạc cụ dân tộc độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Các nghệ nhân làm khèn bằng kỹ năng, kinh nghiệm, sự khéo léo, công phu và tỉ mỉ. Yêu tiếng khèn Mông quê mình, những năm qua, nghệ nhân chế tác khèn Mông Sùng Mí Pó, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) luôn quan tâm truyền dạy nghề chế tác khèn Mông cho thế hệ trẻ. Ông Pó tâm sự: “Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông, cây khèn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đàn ông Mông phải biết thổi khèn cũng như đàn bà Mông phải biết dệt vải lanh may áo. Để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, tôi và các nghệ nhân trong vùng thường xuyên hướng dẫn, truyền dạy nghề chế tác khèn cho lớp trẻ, từ cách lựa chọn nguyên vật liệu, đến các công đoạn chế tác sao cho tiếng khèn phát ra phải là thứ âm thanh nghe réo rắt, mê hoặc lòng người”. Hiện nay, Hà Giang đang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, du khách đến tỉnh mỗi năm đạt trên 2 triệu lượt người, khèn Mông trở thành món quà lưu niệm có giá trị, được du khách đón nhận.
Trong số hơn 9 nghìn NNDG trên địa bàn tỉnh, có hơn 2.200 NNGD, chiếm 24% tổng số hội viên hội NNDG toàn tỉnh đang hàng ngày truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ mai sau. Thông qua hoạt động của Hội NNDG, các hội viên trao đổi, đề xuất với chính quyền địa phương tôn tạo, khôi phục, truyền dạy các nghề thủ công truyền thống để tăng thu nhập cho đồng bào gắn với phát triển kinh tế, du lịch.
“Sống lại” làng nghề truyền thống
Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) hiện có 114 hộ, trong đó 104 hộ là đồng bào dân tộc Lô Lô, một trong những dân tộc rất ít người của nước ta. Cũng giống các dân tộc thiểu số khác, người Lô Lô có nghề thêu, may và trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc. Những hoa văn được trang trí trên trang phục thể hiện những quan niệm sống, phản ánh quá trình lao động sáng tạo của người Lô Lô và ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, hạnh phúc lứa đôi. Trải qua thời gian, nghề thêu dệt truyền tống và nghệ thuật trang trí bị mai một. Để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, xây dựng Lô Lô Chải thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới, các NNDG người Lô Lô đã khôi phục làng nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, toàn thôn có 28 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay; du khách đến đây có thể trải nghiệm nghề thêu hoa văn trang trí trên trang phục cùng người dân dịa phương. “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống.
Nghệ nhân Sùng Mí Pó, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) truyền dạy nghề làm khèn Mông. |
Tại huyện Mèo Vạc, một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều nghề truyền thống như: Rèn, đúc nông cụ, dệt vải, khèn Mông, đan lát quẩy tấu và vật dụng gia đình, nghề mộc. Toàn huyện hiện có 18 Hội NNDG với trên 800 hội viên. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động, hàng năm Hội NNDG các địa phương thường xuyên mở các lớp dạy nghề truyền thống do các nghệ nhân đứng ra truyền dạy như: Kỹ thuật và nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô, tại thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc với 70 học viên tham gia; lớp thêu ren hoa văn dân tộc Mông tại thôn Sán Tớ với 30 học viên tham gia; lớp dạy làm khèn dân tộc Mông, nghề may trang phục truyền thống tại xã Sủng Máng. Sau khi được đào tạo nghề, các học viên nhận sản phẩm về nhà làm, thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Tại Đồng Văn, huyện đã phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức truyền dạy nghề làm khèn Mông cho thế hệ trẻ; phối họp với các nhà trường đưa văn hoá truyền thống của các dân tộc vào truyền dạy trong các trường học, nhiều em học sinh đã có thể chế tác được khèn Mông và biểu diễn thành thục trong các sự kiện văn hóa của địa phương.
Một số làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ mai một cũng đang được các nghệ nhân dân gian phục dựng, duy trì và phát triển như: Nghề chạm Bạc của người Nùng ở Hoàng Su Phì; nghề làm giấy Bản của người Dao ở Bắc Quang; nghề làm hương trầm của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn; nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn ở Quang Bình hay nghề đan lát, làm các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất truyền thống của một số dân tộc khác. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 36 làng nghề được công nhận, trong đó có 7 làng nghề truyền thống với hàng nghìn NNDG am hiểu và nắm giữ bí quyết nghề. Các Hội NNDG huyện Đồng Văn mở trên 150 lớp truyền dạy nghề và văn hóa dân gian cho gần 3.000 học sinh tham gia; huyện Hoàng Su Phì tổ chức mở các lớp ngoại khóa trong các trường học để truyền dạy nghề cho trên 300 học sinh; huyện Quang Bình mở 9 lớp cho 180 người học nghề truyền thống; huyện Mèo Vạc tổ chức đưa văn hóa vào trường học được 1.950 buổi, tổ chức 29 lớp múa Khèn, dệt lanh, may, thêu thổ cẩm, đan quẩy tấu; huyện Quản Bạ mở các lớp truyền dạy các bài hát dân ca, điệu múa dân gian và nghề truyền thống các dân tộc cho 1.500 lượt học sinh.
Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7.7.2022 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” nêu rõ quan điểm: Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi. Cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình, một trong những giải pháp đầu tiên được xác định là phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi, trong đó tập trung duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng; phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
Tỉnh Hà Giang xác định, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình Hội NNDG trên cả 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm và dạy nghề truyền thống với nhiều chính sách đặc thù, thu hút đông đảo NNDG tham gia.
Kỳ cuối: Còn đó những việc cần làm
Bài, ảnh: NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc