Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng: Kỳ 3: Lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc
BHG - Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Là lớp người am hiểu truyền thống của dân tộc mình, những năm qua, đội ngũ nghệ nhân dân gian (NNDG) luôn ngày đêm trăn trở, tìm cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo cho thế hệ sau. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng
Nghệ nhân Là Sía Páo, xã Sủng Là, Đồng Văn (ngoài cùng bên phải) tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc Lô Lô. |
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Quán triệt sâu sắc, toàn diện đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa dân tộc, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, trong đó có các đề án, nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như: Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030... Đặc biệt, trong Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 xác định rõ: Tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có của du lịch Hà Giang dựa trên giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của 19 dân tộc...
Một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn văn hóa truyền thống của Hà Giang đó là phát huy vai trò “hạt nhân” của đội ngũ NNDG trong cộng đồng. Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, thời gian qua, những NNDG trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đóng góp không nhỏ vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Đối với lĩnh vực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay, toàn tỉnh có 3.356 hội viên Hội NNDG, chiếm 36,92% hội viên của Hội. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương thực hiện khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc. Thông qua hoạt động của các hội viên lĩnh vực này đã góp phần làm cho các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc ở địa phương ngày càng được khai thác, phát huy hiệu quả hơn. Hàng năm, các tổ chức Hội đã mở nhiều lớp truyền dạy làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ và các nghi lễ truyền thống của các dân tộc; thành lập các câu lạc bộ (CLB), lớp dạy chữ nho, sáng tác thơ, nhạc cho thế hệ trẻ...
Miệt mài gìn giữ và trao truyền tinh hoa văn hóa
Các nghệ nhân dân gian xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) thực hành Lễ cúng Bàn Vương. |
Cùng chung tâm nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, những năm qua, nghệ nhân Vi Dấu Mìn, dân tộc Giáy, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) đã thành lập nhiều Câu lạc bộ (CLB) truyền dạy văn nghệ dân gian như: CLB múa Trống, múa Nón, hát Phươn... Ngoài ra, ông còn tự mở lớp truyền dạy các bài cúng vào nhà mới, cúng Tổ tiên cho người dân trong xã. Ông Mìn chia sẻ: Từ lâu tôi đã nuôi dưỡng niềm đam mê với công việc sưu tầm và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi khi đến dịp lễ, Tết, thấy con, em trong thôn, xã phần lớn không biết được các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc mình, trong lòng tôi rất trăn trở. Tôi đã quyết định dành thời gian đến nhà của các cụ cao niên trong xã để tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống dân tộc Giáy, từ đó trau dồi thêm kiến thức cho bản thân và tham gia truyền dạy cho con em trong xã.
Anh Vi Văn Niềm, người dân thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà cho biết: Tham gia các CLB dạy múa, hát truyền thống do ông Mìn tổ chức, bản thân tôi thấy văn hóa của dân tộc Giáy rất độc đáo, cần được lưu giữ. Vào những lúc nông nhàn hay các dịp lễ, Tết, từng lời ca, tiếng hát đậm đà bản sắc của dân tộc mình vang vọng trong mỗi nếp nhà khiến thế hệ trẻ như chúng tôi càng thêm tự hào và thêm yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành và các nghệ nhân sẽ mở nhiều lớp truyền dạy văn nghệ dân gian hơn nữa để người dân trong thôn, xã có thêm cơ hội được học hỏi và cùng nhau gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, các hội viên Hội NNDG còn tích cực tham gia hoạt động đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết dân tộc trong mỗi học sinh, để các em được phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức trên 5.100 chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, xây dựng và tổ chức hoạt động trên 2.400 CLB sở thích, giảng dạy văn hóa truyền thống được trên 46.400 tiết học với 1.156 NNDG tham gia, tổ chức được 1.660 buổi tham quan di tích lịch sử, làng nghề truyền thống… Nhiều CLB, nhóm yêu thích văn hóa truyền thống được thành lập và duy trì đều đặn trong các nhà trường như: CLB thổi và múa khèn Mông, hát Then - đàn Tính, thêu thổ cẩm, đan lát thủ công, CLB sáo Mông, CLB võ thuật truyền thống... Nhiều nghệ nhân còn tự mày mò, đổi mới phương pháp truyền dạy để phù hợp với từng đối tượng học sinh và tình hình thực tế của địa phương. Thông qua hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học, các em học sinh được truyền dạy nét đẹp và tình yêu với văn hóa truyền thống, từ đó sẽ trở thành nhân tố quan trọng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, địa phương.
Văn hóa là hồn cốt, là tài sản vô giá của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, cùng tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, những NNDG của tỉnh Hà Giang bao năm qua vẫn miệt mài gìn giữ, trao truyền lại nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, hướng đến mục tiêu đưa văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển KT-XH”.
Kỳ 4: “Giữ lửa” nghề truyền thống
Bài, ảnh: NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc