Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng: Kỳ 2: “Cầu nối” giữa Đảng với dân

12:20, 13/09/2023

BHG - Với đặc thù tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đội ngũ nghệ nhân dân gian (NNDG) thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian là những người có uy tín, phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đã thực sự là “cánh tay” nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng. Qua đó, giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc Hà Giang.

Giữ “nhịp sống” bản làng

Các nghệ nhân dân gian xã Tát Ngà (Mèo Vạc) gìn giữ điệu múa Trống truyền thống của dân tộc Giáy
Các nghệ nhân dân gian xã Tát Ngà (Mèo Vạc) gìn giữ điệu múa Trống truyền thống của dân tộc Giáy.

Hà Giang, vùng đất đa sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có một di sản văn hóa - văn nghệ, tín ngưỡng dân gian truyền thống phong phú, độc đáo, được lưu giữ trong trí nhớ, được truyền miệng, truyền ngôn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện trên địa bàn tỉnh, các nghệ nhân làm nghề thầy cúng, thầy mo, thầy tạo, xem tuổi... là những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, là hội viên có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ mê tín, dị đoan và các hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tình trạng ma chay dài ngày, cúng khi ốm đau, ép duyên, hôn nhân cùng huyết thống, tảo hôn, thách cưới; tổ chức các lớp truyền dạy các nghi lễ dân gian truyền thống... vừa giúp nhân dân giải tỏa về mặt tư tưởng, giảm gánh nặng về kinh tế, vừa củng cố niềm tin về mặt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân theo quy định của pháp luật.

Phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân đã chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể tham mưu cho chính quyền cùng cấp mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, lồng ghép các trò chơi dân gian cho người dân và các cháu học sinh. Hàng năm, sưu tầm, dựng lại và tổ chức 50 lễ hội truyền thống của các dân tộc; qua đó, tạo nên những nét văn hóa đặc sắc riêng cho Hà Giang. Hoạt động giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của các nghệ nhân gắn với thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”, đặc biệt là xây dựng Làng Văn hóa du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới tiêu biểu tại một số địa phương như: Làng Văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn); xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); thôn Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên); thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang)...

Quản Bạ là huyện cửa ngõ của 4 huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh với 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong số 107 người có uy tín ở cơ sở, địa phương có 6 NNDG. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đặc biệt, trong việc tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Đỗ Văn Hùng cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Đề án số 16, ngày 16.6.2022 về xóa bỏ hủ tục và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát để xác định hủ tục, phong tục, tập quán nào cần xóa bỏ, phong tục, tập quán nào cần cải tiến; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức mạn đàm, trao đổi, thảo luận với người có uy tín và các nghệ nhân để thống nhất. Đến nay, 13 xã, thị trấn đã rà soát xong, lập danh sách các hủ tục, phong tục tập quán cần xóa bỏ và cải tiến; xây dựng kế hoạch với thời gian, lộ trình cụ thể và phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân triển khai thực hiện.

Do thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; các NNDG thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian ký cam kết, gương mẫu xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Trong việc tang, 28 người có uy tín tham gia vào các ban tang lễ thôn, tổ dân phố; vận động 222/311 trường hợp đám ma người dân tộc Mông đưa vào áo quan. Tuyên truyền nhân dân không thách cưới, đám cưới không còn tổ chức dài ngày, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không tổ chức lễ thanh minh, mừng thọ, giải hạn linh đình, gây tốn kém, lãng phí; không thực hiện cúng chữa bệnh, bói đoán bệnh; ăn, ở hợp vệ sinh; di chuyển chuồng trại ra xa nhà…

Đồng thời, người có uy tín phối hợp với Hội NNDG thường xuyên truyền dạy cho thế hệ trẻ, đội văn nghệ dân gian về các điệu múa, làn điệu dân ca, nghề truyền thống... nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; rút ngắn bài cúng, bài khèn thổi trong đám tang; một số người có uy tín tham gia vào đội khèn, trống tại các thôn để hỗ trợ hoạt động tang lễ...

“Cầu nối” giữa Đảng với dân

Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, các NNDG đã gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đến từng hộ trong thôn, xóm; lồng ghép tuyên truyền trong các ngày lễ hội của các dân tộc, trong các buổi sinh hoạt tổ dân vận, họp thôn; tuyên truyền bằng việc làm cụ thể, tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế; vận động các gia đình thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng Nông thôn mới...

Nghệ nhân dân gian Liều Văn Việt, xã Tân Lập (Bắc Quang) thực hiện nghi lễ cúng Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn.
Nghệ nhân dân gian Liều Văn Việt, xã Tân Lập (Bắc Quang) thực hiện nghi lễ cúng Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn.

Đồng bào dân tộc La Chí ở thôn Mục Lạn và thôn Vinh Ngọc, xã Tân Quang (Bắc Quang) có 40 hộ, 171 khẩu. Theo chia sẻ của người dân, trước đây việc tổ chức tang lễ cho người quá cố chưa phù hợp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Người chết sau khi khâm niệm vẫn mở 1/3 nắp quan tài; các con trai đội nón mê ngồi quạt cho người chết đến khi đưa đi chôn; khi đi đưa ma phải mở nắp quan tài, nắp quan tài khiêng đi trước, quan tài đi sau. Nếu gặp đoạn đường quá khó đi phải bỏ thi thể ra ngoài khiêng; người chết đưa đi chôn phải mang theo 1 con chó con rồi đập chết vứt cạnh mộ, nếu chó chưa chết thì chưa được chôn bởi mọi người quan niệm rằng linh hồn con chó sẽ dẫn linh hồn người chết xuống âm phủ. Khi nhà có người chết hoặc ốm đau đi xem bói, nếu thầy bói nói phải mổ trâu, mổ bò để làm lễ cúng thì phải làm theo… khiến kinh tế gia đình kiệt quệ.

Từ thực trạng đó, xã thành lập Ban tuyên truyền, vận động cấp xã, thôn; chủ động tiếp cận những người có uy tín, nhất là đội ngũ thầy cúng, thầy bói để vận động. Với sự quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lấy tình cảm kết hợp kiên trì, phân tích có tình có lý; lấy uy tín của thầy cúng, thầy bói làm tâm điểm cho sự vận động nên cơ bản các hộ dân đều thống nhất quan điểm quyết tâm xóa bỏ hủ tục, tạo đồng thuận trong nhân dân. Vì vậy, đến nay, lễ tang được thực hiện theo hương ước, quy ước của thôn theo hướng văn minh.

Để kịp thời động viên, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, ngày 6.3.2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 12 về chính sách đối với người có uy tín. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã động viên các NNDG tích cực tuyên truyền tới nhân dân trên địa bàn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, giữ gìn giá trị tín ngưỡng truyền thống (tiếng nói, trang phục, dân ca, kiến trúc nhà ở, phong tục, lễ hội truyền thống…), xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Chủ tịch UBND xã Tân Quang, Phạm Khắc Hoàng cho biết: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện chế độ, chính sách, xã tổ chức nhiều nội dung và hình thức gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết; biểu dương, thăm quan, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín tiêu biểu. Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng.

Tại huyện Yên Minh, với việc luôn phát huy vai trò người có uy tín, Hội NNDG, coi đây là lực lượng tích cực tham gia bài trừ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; địa phương đã xác định vai trò của người có uy tín, Hội NNDG trong các dòng họ, cộng đồng dân cư, đồng bào các dân tộc; lựa chọn những người có uy tín, tâm huyết để đưa vào Hội. Vì vậy, người có uy tín và hội viên Hội NNDG phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, dòng họ.

Mặt khác, lựa chọn những người có uy tín, có nhận thức và có ảnh hưởng lớn trong các dòng họ, trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Thực tiễn cho thấy, nhiều người có uy tín phát huy tốt vai trò trong cải tiến đám tang, lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc. Địa phương trên cơ sở nhận diện hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của từng dân tộc thiểu số để định hướng hoạt động của các thầy cúng, các tổ kèn trống phù hợp với nếp sống văn minh trong các đám tang, lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số; trong đó, các thầy cúng (đối với dân tộc Tày, Giấy, Dao…) giảm các nghi lễ, thời gian cúng, tế; các tổ kèn, trống giảm thời gian và tiền công.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Minh gần như không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống; tình trạng tảo hôn giảm; nhiều đám tang giảm thời gian tổ chức dưới 48 tiếng, không mổ nhiều gia súc; một số dòng họ thuộc dân tộc Mông đưa ngay người chết vào áo quan trước khi tổ chức đám tang, tiêu biểu như: Họ Thào xã Du Già; họ Sùng, họ Chảo và họ Vừ xã Lũng Hồ; họ Sùng, họ Giàng và họ Mua xã Đường Thượng; họ Vàng xã Ngam La, xã Lao Và Chải…

Bí thư Huyện ủy Yên Minh, Ngô Xuân Nam cho biết: Ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền các cấp, thì vai trò gương mẫu, nêu gương của đảng viên đóng vai trò quan trọng. Để phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ đảng viên, các cấp ủy, nhất là Bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, huyện giao trách nhiệm cho đội ngũ đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân thực hiện việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; tổ chức cho đảng viên ký cam kết gương mẫu thực hiện; là “cầu nối” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của đội ngũ NNDG để đưa đội ngũ này trở thành lực lượng tiên phong.

Qua đánh giá, số đông đảng viên trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; cải tiến trong đám cưới, hỏi, tổ chức đám tang; nhiều đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức đám tang không kéo dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc… Tiêu biểu như đảng viên Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến đã ghi âm lời dặn của bố trước khi chết để thực hiện việc đưa ngay người chết vào áo quan; trên cương vị công tác, anh đã tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền được ba dòng họ tại xã Lũng Hồ (họ Sùng, họ Chảo và họ Vừ) thực hiện đưa người chết vào áo quan. Hay như ông Cháng Quang Thảm, NNDG xã Na Khê hoạt động thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian là một trong những người đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động và thực hiện cắt giảm thời gian cúng, nghi lễ trong Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao.

Có thể khẳng định, đội ngũ NNDG của tỉnh thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian có nhiều công lao đóng góp trong lĩnh vực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, hướng dẫn tổ chức các nghi lễ văn hóa tín ngưỡng của cá nhân và tổ chức; thực sự trở thành “cánh tay” nối dài của Đảng, giúp khăng khít thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân. Tuy nhiên, hiện nay, các di sản văn hóa - văn nghệ, tín ngưỡng dân gian đang có nguy cơ mai một trước sự biến đổi nhanh chóng về nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sự xâm nhập của đạo lạ, tín ngưỡng mới… nên làm sao để giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc luôn là câu hỏi được tỉnh chú trọng tìm lời giải nhằm nâng cao đời sống người dân địa đầu cực Bắc.

Kỳ 3: Lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc

Bài, ảnh:  NHÓM PV

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng mang sức sống mới về bản Mông “5 không”

BHG - Pờ Chừ Lủng - một thôn 100% là đồng bào người dân tộc Mông đặc biệt khó khăn ở xã Ngam La, huyện Yên Minh từng là bản “5 không”: Không đường, không điện, không nước sạch sinh hoạt, không sóng viễn thông, không hộ trung bình khá. Nhưng nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sức sống mới đang về với Pờ Chừ Lủng.

30/08/2023
Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trong sạch vững mạnh
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng. Người dạy rằng: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm, trong và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất” (1).
30/08/2023
Quy định 213 góp phần phát huy mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với Nhân dân
BHG - V.I.Lê-nin lúc sinh thời nhấn mạnh, "một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất đối với Ðảng là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng". Chủ tịch Hồ Chí Minh, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định, “Đảng dựa vào quần chúng, quan tâm đến quyền lợi của quần chúng, đi theo đường lối quần chúng, nếu xa rời quần chúng Nhân dân thì sẽ thất bại”.
28/08/2023
Phát huy "công cụ" tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng
BHG - Theo kết quả đánh giá về công tác xây dựng Đảng nói chung, hàng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều chiếm trên 90%, trong đó có nhiều tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
26/06/2023