Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng: Kỳ 1: Dưới ánh sáng soi đường của Đảng
BHG - Nếu như năm 2003 toàn tỉnh Hà Giang chỉ có 1 Hội nghệ nhân dân gian (NNDG) thì nay, 11/11 huyện, thành phố có tổ chức hội với tổng số 189 Hội NNDG, hoạt động ở 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền dạy nghề truyền thống. Sự lớn mạnh, hoạt động chất lượng, hiệu quả của Hội NNDG đã trở thành “cánh tay” nối dài trong công tác dân vận của Đảng ở cơ sở, làm đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thực hành Then Tày – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Việc thành lập Hội NNDG đã đưa tỉnh ta trở thành địa phương duy nhất của cả nước thực hiện mô hình độc đáo này. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng ghi dấu son sáng trong việc phát hiện, phát huy vai trò của các NNDG cùng tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Độc đáo mô hình Hội nghệ nhân dân gian
Hà Giang là mảnh đất biên cương nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,7% cơ cấu dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất (34,46%), tiếp đến là Tày (22,43%), Dao (14,82%), còn lại là các dân tộc khác; có 9 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 5 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn. Nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống độc đáo của các dân tộc, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cũng như củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; năm 2003, BTV Tỉnh ủy lựa chọn xã Hồ Thầu để xây dựng thí điểm mô hình Hội NNDG. Đây không chỉ là đột phá trong việc phát hiện vai trò quan trọng của NNDG mà còn là một trong những giải pháp chiến lược của cấp ủy tỉnh Hà Giang để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu.
Hồ Thầu là xã phía Nam của huyện Hoàng Su Phì. Đây là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh, em: Dao, Nùng, Mông, Kinh, Tày; trong đó, đồng bào Dao đỏ chiếm trên 80% dân số toàn xã. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục tập quán khác nhau. Việc thờ cúng thần linh, tổ tiên đã thấm sâu vào dòng máu đồng bào và được lưu truyền qua nhiều thế hệ; tuy nhiên, vẫn còn nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cản trở sự phát triển tiến bộ của cộng đồng. Trong mối quan hệ xã hội, thầy cúng là người có uy tín được nhân dân nể trọng, bởi họ biết cúng bái, am hiểu các phong tục tập quán, nắm vững lai lịch và mối quan hệ họ hàng của dân làng, công tâm khi tham gia xét xử các vụ vi phạm luật tục của mọi thành viên trong cộng đồng. Đặc biệt, từ khi Hội NNDG xã Hồ Thầu được thành lập (gồm 46 hội viên tham gia), vai trò của các Hội NNDG được phát huy, tiếng nói của Hội hòa cùng ý Đảng đã tạo nên cuộc “cách mạng” đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội Bàn Vương, Cấp sắc, Nhảy lửa, văn nghệ dân gian. Chủ tịch Hội NNDG xã Hồ Thầu, Triệu Chòi Quyên đánh giá: “Việc thành lập Hội NNDG là chủ trương đúng của cấp ủy, phù hợp với thực tiễn hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các NNDG hoạt động”.
Sau thành công của mô hình Hội NNDG xã Hồ Thầu; năm 2006, 23 xã, thị trấn còn lại của huyện Hoàng Su Phì đều thành lập Hội NNDG với hơn 1.000 hội viên tham gia. Đặc biệt, cuối năm 2010, sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình Hội NNDG trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, BTV Tỉnh ủy đã có chủ trương nhân rộng mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh có 1 tổ chức hội quy mô cấp huyện là Hội NNDG huyện Xín Mần; 188 Hội NNDG hoạt động ở quy mô cấp xã, chiếm tỷ lệ 97,4% số xã trên địa bàn tỉnh có tổ chức hội; 11/11 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Hội NNDG. Trong tổng số gần 9.100 hội viên Hội NNDG thì trên 3.500 hội viên hoạt động ở lĩnh vực tín ngưỡng dân gian; hơn 3.300 hội viên thuộc lĩnh vực phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; trên 2.200 hội viên hoạt động ở lĩnh vực truyền dạy và làm nghề truyền thống. Ấn tượng trong đó, toàn tỉnh có 290 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội NNDG là đảng viên, 161 người đang tham gia công tác tại cấp xã; 156 Chủ tịch Hội NNDG đồng thời là hội viên Hội NNDG.
Nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Hội, các địa phương còn lựa chọn gần 30 Hội NNDG để xây dựng mô hình điểm trên cả 3 lĩnh vực hoạt động. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc, Vương Thị Thủy chia sẻ: BTV Huyện ủy đã chỉ đạo lựa chọn Hội NNDG của thị trấn Mèo Vạc, xã Tát Ngà, Sủng Trà, Niêm Sơn, Khâu Vai làm điểm lĩnh vực tín ngưỡng dân gian về bài trừ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân. Đến nay, các mô hình điểm đã đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; bước đầu làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết của việc bài trừ các hủ tục rườm rà, tốn kém trong việc cưới, việc tang làm suy giảm kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân và gia đình.
Tôn vinh nghệ nhân
Các Nghệ nhân dân gian xã Pả Vi (Mèo Vạc) tái hiện nghi thức cúng trong Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023. |
Theo đánh giá của nhiều cấp ủy địa phương trong tỉnh, các hội viên tham gia vào tổ chức Hội NNDG đều là những người am hiểu văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giỏi nghề truyền thống, văn nghệ dân gian, thành thạo các thủ tục tín ngưỡng của đồng bào. Do vậy, họ đã tích cực góp phần giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở, chung sức xây dựng Nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố đề ra.
Đặc biệt, NNDG còn là những người có uy tín, tiếng nói trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thôn bản; bởi vậy, việc làm, lời nói của họ có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tín ngưỡng, hành động của quần chúng nhân dân sẽ rất khó cho những kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Huyện Mèo Vạc hiện có hơn 17.000 hộ với trên 93.000 nhân khẩu. Đồng bào DTTS chiếm hơn 95% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 78%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện chiếm hơn 67%; đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều là một trong những nguyên nhân chính để tà đạo “San sư khẻ tọ” xâm nhập vào địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 82 hộ đồng bào Mông với 489 khẩu, tại 11 xã, thị trấn bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo theo đạo “San sư khẻ tọ”, làm ảnh hưởng xấu đến công tác giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, gây bức xúc trong cộng đồng. Bởi, người theo đạo này buộc phải từ bỏ phong tục, tập quán của dân tộc, dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, khi bị ốm đau không đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh mà ở cầu nguyện. Trước thực tế này, các Hội NNDG trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động thành công các trường hợp trên quay lại phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn.
Nhằm ghi nhận công lao và tôn vinh các NNDG, ngày 25.9.2017, Tỉnh ủy ban hành Đề án 19 thí điểm phong tặng danh hiệu NNDG thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; làm cơ sở cho việc phong tặng danh hiệu NNDG thuộc các lĩnh vực khác như giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian, truyền dạy và làm nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 22 người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng công nhận danh hiệu NNDG. Họ đều là những nghệ nhân người DTTS, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, hương ước, quy ước của địa phương và quy chế hoạt động của Hội NNDG; gương mẫu trong cuộc sống, có uy tín và được quần chúng ở cơ sở tín nhiệm, kính trọng. Không những vậy, họ còn là người nắm vững và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết, phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của dân tộc mình; sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt hơn, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 33 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Trong số 33 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, hiện 5 nghệ nhân đã mất, còn 28 nghệ nhân đang hoạt động trong các Hội NNDG, tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thuộc 2 loại hình: Tín ngưỡng dân gian; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nghệ nhân ưu tú Lò Sì Páo, dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) không giấu được sự xúc động: Trước đây, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô là việc làm thường xuyên của mỗi nghệ nhân. Nhưng nay được tôn vinh Nghệ nhân ưu tú là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước dành cho chúng tôi. Đây là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm lớn lao để chúng tôi tiếp tục cống hiến, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
Để phát huy vai trò của Hội NNDG, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 05 về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Hội NNDG, giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch 79 về tiếp tục triển khai thực hiện mô hình Hội NNDG, giai đoạn 2021 – 2025. Những chủ trương này không chỉ tạo lập cơ sở chính trị, pháp lý để Hội NNDG hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật mà còn góp phần đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động. Sau 12 năm hoạt động kể từ khi mô hình Hội NNDG được nhân rộng (năm 2011) đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng dân gian của các dân tộc, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một; từng bước xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS; gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc.
Kỳ 2: “Cầu nối” giữa Đảng với dân
Bài, ảnh: NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc