Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai
BHG - Thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thời gian qua, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản, tập trung lãnh đạo toàn diện các hoạt động phòng, chống thiên tai tại địa phương, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì cập nhật thông tin thời tiết trên máy tính từ hệ thống thời tiết thông minh iMetos. |
Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, Hà Giang là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai. Theo thống kê, trong năm 2020, toàn tỉnh đã hứng chịu 3 đợt rét đậm, rét hại; 5 đợt nắng nóng diện rộng; 6 đợt mưa vừa, mưa to kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh; 5 trận mưa đá kèm dông, lốc. Thiên tai đã khiến 15 người chết, 20 người bị thương; làm hư hỏng 7.845 ngôi nhà của người dân; gây thiệt hại 3.557 ha cây trồng; trên 23.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 188 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái… Ước tính tổng thiệt hại hơn 840 tỷ đồng.
Nhận diện rõ những thách thức do thiên tai gây ra, tỉnh đã quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 42 của Ban Bí thư T.Ư Đảng; ban hành các văn bản yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay từ đầu năm với phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Cùng với đó, tỉnh ban hành một số quy định, chính sách trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như: Quyết định số 28 của UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Hà Giang; Quyết định số 2063 của UBND tỉnh phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện các nội dung như: Phương án chuyển đổi mái nhà cho các hộ có nhà bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra; Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; Đề án quy tụ dân cư sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi ở mới đảm bảo an toàn…
Việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 27 trạm đo mưa tự động đang vận hành hiệu quả. Tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về đề xuất các giải pháp phòng, chống dông, sét. Cùng với đó, chú trọng ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng, thủy văn; tăng cường hiện đại hóa hệ thống quan trắc; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở, giúp người dân được tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các công trình chống sạt lở, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi… Bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp kết hợp với sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của T.Ư và xã hội hóa để thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình phòng, chống thiên tai của tỉnh; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2020, tổng kinh phí cho hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn là 108,25 tỷ đồng.
Việc xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có đội xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số 14.012 người. Các cấp, ngành, địa phương đã ứng dụng CNTT trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai như: Ứng dụng các phần mềm, mô hình hiện đại để khai thác dữ liệu, dự báo khí tượng, thủy văn, cảnh báo thiên tai; ứng dụng Zalo, Facebook để truyền tải thông tin dự báo thiên tai tới người dân. Tỉnh cũng đang nghiên cứu phát triển một số vấn đề khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai như: Quy hoạch, xây dựng kịch bản, bản đồ lũ cho hệ thống sông trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản lũ thượng nguồn và lũ nội vùng gây ra…
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư T.Ư Đảng đã tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc