"Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" - Kỳ cuối: Tình nguyện "vác tù và hàng tổng"

12:28, 17/11/2020

BHG - Tổ dân vận (TDV) ở thôn, tổ dân phố hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ kiêm nhiệm; không có kinh phí riêng để hoạt động, không phụ cấp, thù lao…

Nhà Văn hóa tổ dân phố 2, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.
Nhà Văn hóa tổ dân phố 2, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

“Dù có trở thành người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như mọi người vẫn trêu đùa, chúng tôi nguyện cam lòng. Vì thành quả cuối cùng của CTDV là niềm tin son sắt của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền; là chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống; và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố, phát huy để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương” – ông Phạm Bá Gia, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) chia sẻ.

Trong suốt thời gian làm CTDV, có lẽ kỳ tích xã hội hóa xây dựng Nhà văn hóa (NVH) tổ dân phố 2, phường Ngọc Hà với ông Phạm Bá Gia và bà Lã Thị Lý (Tổ trưởng tổ dân phố 2) mãi là kỷ niệm khó phai mờ. Năm 2015, phường Ngọc Hà chỉ còn duy nhất tổ dân phố 2 chưa có NVH. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng NVH để tổ chức hội họp, học tập, sinh hoạt cộng đồng; trong khi ngân sách chưa thể đầu tư… Giải “bài toán” này, xã hội hóa xây dựng NVH chính là đáp án thỏa đáng. Và sau gần 5 tháng thi công, cuối năm 2015, tổ dân phố 2 có NVH khang trang, hiện đại, hội tụ đầy đủ thành quả “dân vận khéo”. Với tâm niệm: “Việc nước, việc làng, đất vàng cũng hiến”, gia đình anh Hoàng Đức Chính hiến gần 500 m2 đất, trị giá lên đến vài trăm triệu đồng. Cùng với số tiền huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hơn 130 hộ dân trong tổ dân phố đã đóng góp bình quân 3,8 triệu đồng/hộ để xây dựng NVH với trị giá lên đến 685 triệu đồng.

Cán bộ Tổ dân vận tổ dân phố 2, phường Ngọc Hà công khai các khoản đóng góp tại Nhà Văn hóa.
Cán bộ Tổ dân vận tổ dân phố 2, phường Ngọc Hà công khai các khoản đóng góp tại Nhà Văn hóa.

Bà Lã Thị Lý nhớ lại: Sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi mới thanh toán được ½ kinh phí cho đơn vị thi công, vì nhiều hộ chưa đồng thuận đóng góp. Thậm chí, tôi còn xác định “cắm” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để có tiền thanh toán với đơn vị thi công... Tiếp tục vận động xã hội hóa, chúng tôi đã tổ chức 3 buổi đối thoại trực tiếp với những hộ dân không đồng thuận để lắng nghe tâm tư, tìm hiểu lý do. Và sau 3 năm, không chỉ hoàn thành việc thanh toán tiền xây dựng NVH theo hình thức “trả góp” mà Quỹ xây dựng NVH của chúng tôi có số dư trên 45 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng công trình. Bí thư Chi bộ Phạm Bá Gia thêm lời: “Để góp phần vào thành công này, chúng tôi còn dành tình cảm chân thành để cảm hóa”. Ông kể: Khi 1 trong số những hộ dân có việc quan trọng như hiếu, hỉ; TDV nhiệt tình giúp họ chăm lo chu đáo, vẹn toàn công việc. Sau đó, tự bản thân họ giác ngộ tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình mà tự giác đóng góp xây dựng NVH; thậm chí sau này, trở thành nhân tố tích cực trong mọi phong trào chung của tổ dân phố…

Câu chuyện trên chỉ là lát cắt nhỏ trong muôn vàn trở ngại mà TDV đối diện khi tập hợp, thu hút các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện công việc chung của xã hội và cộng đồng dân cư. Nhiều sự vụ có tính chất phức tạp, nhạy cảm, như: Hòa giải tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng, vận động di dời, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư... cũng khiến họ không ít lần “lao tâm khổ tứ”. Bà Lã Thị Lý chia sẻ thêm: “Tôi từng nghe lời lẽ lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự từ những trường hợp cá biệt, không đồng thuận chủ trương chung. Có lúc nản, cũng rơi nước mắt. Nhưng cứ nghĩ đến khoảnh khắc hàng trăm cánh tay của nhân dân tổ dân phố giơ cao, đồng tình bầu làm Tổ trưởng, lại thúc giục tôi vượt khó, phát huy vai trò tiên phong của người cán bộ, đảng viên”.

Thực tế cho thấy, hoạt động của TDV đã góp phần tạo chuyển biến vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Để có được kết quả này, theo đánh giá của nhiều cấp ủy: Lực lượng nòng cốt làm CTDV đã vận dụng và hội tụ đầy đủ 6 phẩm chất cần có theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nghĩa là sâu sát, gần nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề liên quan tới người dân một cách cụ thể, kịp thời, dựa trên nền tảng “lấy dân làm gốc”. Và để được dân tin, buộc họ phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên: “Nói đi đôi với làm”, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bởi họ chính là những người đem chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Cứ như vậy, họ “động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho” trên nguyên tắc: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” – như lời Bác Hồ răn dạy về CTDV.

Có thể nói, TDV chính là cầu nối trực tiếp với người dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Để TDV tiếp tục phát huy sứ mệnh của mình, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm CTDV ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, bố trí, tăng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho TDV (hiện các TDV được hỗ trợ 800 nghìn đồng/TDV/năm theo Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND, ngày 11.12.2016 của HĐND tỉnh Quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh).

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tùng Bá phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế

BHG - Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Đảng là then chốt; những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu và vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

28/10/2020
Hiệu quả công tác đào tạo cán bộ ở Quản Bạ

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, là "công việc gốc của Đảng". Thực hiện tư tưởng đó, huyện Quản Bạ đã thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giúp cho cán bộ phát huy được năng lực của bản thân trong quá trình công tác, chỉ đạo, điều hành hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

26/10/2020
Đảng viên Lục Đức Giang làm giàu từ kinh tế tổng hợp

BHG - Với đức tính cần cù, chịu khó, anh Lục Đức Giang, dân tộc Giấy, thôn Lang Lầu, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương với mô hình phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC). Tham quan mô hình kinh tế của anh Giang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của vợ chồng anh, chị. Trước đây, nơi này là vùng đất cằn cỗi...

24/10/2020
Đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 ở Phương Tiến

BHG - Đảng bộ xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên hiện có 13 chi bộ trực thuộc với 342 đảng viên. Để việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII thiết thực và hiệu quả, Đảng bộ xã đã quán triệt, cụ thể hóa từng nội dung của nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới các cán bộ, đảng viên. 

22/10/2020