Khi cán bộ xã kiêm Bí thư Chi bộ ở Vĩnh Hảo
BHG - Khắc phục được những hạn chế về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, chính trị đối với cán bộ cấp ủy ở thôn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đây là kết quả quan trọng, chứng minh cách làm sáng tạo của cấp ủy xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi thí điểm đưa Ủy viên BCH Đảng bộ xã về sinh hoạt Đảng tại cơ sở và chỉ định giữ chức Bí thư chi bộ (BTCB).
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo – Hoàng Văn Nhiên kiểm tra việc chăm sóc cam sau thu hoạch tại cơ sở. |
Đảng bộ xã Vĩnh Hảo có 16 chi bộ trực thuộc với 288 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học và chi bộ quân sự. Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”; năm 2018, BTV Đảng ủy xã ra quyết sách đưa Ủy viên BCH Đảng bộ xã về sinh hoạt Đảng tại cơ sở, chỉ định giữ chức danh BTCB. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Nhiên: Quyết sách trên nhằm đáp ứng quy định chức danh BTCB có trình độ văn hóa 10/10 hoặc 12/12. Bởi thực tế, tại nhiều chi bộ, đảng viên không đạt được trình độ văn hóa như trên hoặc đảng viên đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng là đối tượng trẻ, năng lực điều hành còn hạn chế. Hơn nữa, các đồng chí Ủy viên BCH đều có trình độ Trung cấp lý luận chính trị, trình độ chuyên môn đại học mà BTCB khối nông thôn khó đạt được… Hơn nữa, việc kiêm nhiệm còn tạo điều kiện cho Ủy viên BCH sâu sát cơ sở để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, góp phần thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung của Đảng.
Để quyết sách trên đi vào cuộc sống, cấp ủy xã Vĩnh Hảo đã thành lập Ban chỉ đạo; tiến hành hội nghị mở rộng đến cán bộ, công chức, phó các ban, ngành, đoàn thể của xã, các đồng chí BTCB, Trưởng thôn và đại biểu HĐND xã để quán triệt chủ trương thí điểm Ủy viên BCH Đảng bộ kiêm BTCB thôn. Đặc biệt, BCH Đảng bộ xã còn họp bàn, thống nhất lựa chọn thôn khó khăn về nhân sự (như trình độ văn hóa, chính trị) để cử Ủy viên BCH Đảng bộ xã kiêm BTCB… Theo đó, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Hảo, Bàn Văn Việt; Phó Chủ tịch HĐND xã, Vũ Đình Dũng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Lê Thị Ngọc hay cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, Đặng Văn Minh giờ kiêm nhiệm thêm chức danh BTCB khối nông thôn, lần lượt là: Khuổi Ít, Vĩnh Chính, Vĩnh Sơn, Khuổi Phạt đã trở nên quen thuộc đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn từ hơn 2 năm trở lại đây.
Thực tế cho thấy: Ủy viên BCH Đảng bộ xã kiêm BTCB chính là “cánh tay nối dài” của Đảng ở cơ sở, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ủy, chính quyền thôn và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Mặt khác, thuận lợi cho công tác tham mưu, thông tin báo cáo 2 chiều, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, buông lỏng vai trò chỉ đạo của Đảng với chính quyền cơ sở. Hơn nữa, BTCB là cán bộ trực tiếp tiếp nhận, xử lý thông tin, điều hành giải quyết những công việc hàng ngày ở xã, thôn nên thường xuyên nắm bắt được dư luận, tâm tư, kiến nghị, đề xuất của nhân dân; tạo thuận lợi cho công tác lãnh, chỉ đạo tại cơ sở.
Chứng minh cho hiệu quả từ chủ trương trên, anh Đặng Văn Minh, Văn phòng Đảng ủy xã, kiêm BTCB thôn Khuổi Phạt lấy ví dụ: Chiều hôm trước, cấp ủy xã họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 thì ngay hôm sau tôi đã triển khai các giải pháp này đến chi bộ để nhanh chóng tổ chức thực hiện. Hoặc, qua nắm bắt tình hình thực tiễn ở cơ sở, biết thông tin một số người dân có ý định đi lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc, tôi đã báo cáo cấp ủy xã để kịp thời chỉ đạo Công an xã khoanh vùng, vào cuộc hiệu quả… Bên cạnh đó, nắm bắt được thực tế tuyến đường liên thôn Khuổi Phạt – Vật Lậu (dài hơn 2,5 km) bị vùi lấp hệ thống thoát nước do quá trình san ủi mặt bằng; sau khi họp chi bộ, tôi đã trực tiếp liên hệ với đại diện Nhà máy Thủy điện sông Lô 6, đề nghị hỗ trợ phương tiện giúp nhân dân nhanh chóng khơi thông cống rãnh, tránh ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa, lũ như trước đây... Anh Vũ Đình Dũng, Phó Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Hảo, kiêm BTCB thôn Vĩnh Chính nhận xét thêm: Khi có chỉ đạo của cấp trên, cán bộ xã là người đầu tiên nắm bắt thông tin nên việc truyền đạt đến chi bộ sẽ trực tiếp, nhanh chóng, hiệu quả, chính xác hơn. Đặc biệt, các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ xã khi kiêm nhiệm chức danh BTCB có thể chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo của mình để góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Việc thí điểm Ủy viên BCH Đảng bộ xã kiêm BTCB đã chứng minh cách làm sáng tạo của cấp ủy xã Vĩnh Hảo để đạt những kết quả đáng khích lệ trong thực tiễn. Tuy nhiên, cách làm này có được triển khai nhân rộng hay không cũng cần xem xét, đánh giá một cách bài bản. Bởi hiện nay, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền lợi của Ủy viên BCH Đảng bộ xuống cơ sở tham gia làm BTCB. Do kiêm nhiệm, nên Ủy viên BCH cũng không được hưởng phụ cấp chức danh BTCB. Do vậy, hiệu quả công việc phụ thuộc rất nhiều vào sự nhiệt tình, trách nhiệm, hy sinh lợi ích của chính cán bộ xã khi cùng lúc đảm nhiệm 2 vai trách nhiệm…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc