Hiệu quả từ một nghị quyết hợp lòng dân
BHG - Năm 2016, BCH Đảng bộ huyện Mèo Vạc ban hành Nghị quyết 07 “Về chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa, giai đoạn 2016-2020”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, với những kết quả đạt được đã từng bước thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhất là chăn nuôi. Có thể nói, đây là một nghị quyết vô cùng đúng đắn và hợp lòng dân.
Người dân thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi bò. |
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân. Tổ chức tuyên truyền được 523 buổi, có 32.650 lượt người tham gia với các hình thức tuyên truyền phong phú, như: Tuyên truyền trực tiếp, triển khai cho nhân dân đăng ký, lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ; tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh, đài truyền thanh, truyền hình; ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã trích lục nội dung của nghị quyết niêm yết tại Nhà văn hóa thôn để nhân dân nắm rõ chủ trương, chính sách và tích cực tham gia thực hiện.
Đến nay, sau 4 năm thực hiện nghị quyết, tổng diện tích đất trồng ngô đã chuyển đổi sang trồng cỏ chăn nuôi 249,85 ha, đạt 99,94% mục tiêu nghị quyết đến năm 2020. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình thực hiện việc chuyển đổi 3.272,292 triệu đồng. Tổng đàn trâu, bò toàn huyện có trên 34 nghìn con; tổng số trâu, bò xuất chuồng từ năm 2016 đến nay đạt 14.661 con. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao; thu nhập của các hộ gia đình tiến hành chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi có sự thay đổi rõ rệt.
Anh Hờ Mí Pủa, thôn Há Chế, xã Sủng Trà là hộ đi đầu trong việc chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cỏ nuôi bò. Từ 1 ha diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả, anh Pủa đã chuyển toàn bộ sang trồng cỏ. Đến nay, gia đình anh duy trì trên 7 con bò nuôi vỗ béo. Anh Pủa cho biết: Trồng cỏ nuôi bò mang lại thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng ngô. Trồng cỏ cũng không tốn nhiều công chăm sóc. Trước đây, gia đình tôi cả năm chỉ biết trông chờ vào mấy nương ngô, giờ thì tháng nào cũng có bò bán, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua xe máy,...
Cũng như gia đình anh Pủa, gia đình anh Ly Chứ Giàng, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc cũng đã thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất sang trồng cỏ, nuôi bò. Anh Giàng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng có nuôi bò, trồng vài đám cỏ ở chỗ đất xấu, chủ yếu vẫn trồng ngô. Năm 2016, được sự hướng dẫn của cán bộ xã, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất xấu sang trồng cỏ và mua 5 con bò nuôi vỗ béo. Đến nay, mỗi năm xuất bán trên 10 con bò, thu nhập gia đình đã ổn định hơn. Nhiều gia đình trước đây vẫn giữ lối canh tác cũ là trồng ngô, khi thấy tôi và một số hộ chuyển đổi có hiệu quả đã đến tìm hiểu và cùng chuyển đổi theo và đều có thu nhập khá hơn rất nhiều.
Đồng chí Nguyễn Gia Vịnh, Chủ tịch UBND xã Sủng Trà cho biết: Thực tế, trước đây, một số bà con đã biết tự chuyển đổi đất sang trồng cỏ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, từ khi có nghị quyết của huyện, các hộ thực hiện đồng đều, hiệu quả hơn. Đồng thời, nhiều gia đình cũng từ đó mạnh dạn vay vốn mở rộng chăn nuôi. Có thể nói, dựa trên những mong muốn của nhân dân, nghị quyết này ra đời đã tạo động lực thêm cho bà con mạnh dạn phát triển chăn nuôi có quy mô theo hướng hàng hóa; từng bước cải thiện kinh tế gia đình.
Có thể nói, Nghị quyết 07 được ban hành phù hợp với yêu cầu thực tế trên địa bàn huyện Mèo Vạc; chủ trương và chính sách theo Nghị quyết đã đi vào cuộc sống của người dân, được người dân đồng tình hưởng ứng và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả tại tất cả các xã, cần tăng cường công tác triển khai chuyển đổi trồng cỏ, đăng ký vay vốn nuôi trâu, bò để phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô lớn, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng sản lượng cỏ trồng trên diện tích chuyển đổi của chính các hộ gia đình. Đồng thời có sự hướng dẫn cho người dân trồng và chăm sóc diện tích cỏ đã chuyển đổi; thu hoạch, chế biến, bảo quản cỏ làm thức ăn; phát triển đàn và chăm sóc đàn trâu, bò đúng kỹ thuật, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Từ đó, thúc đẩy các gia trại vừa và nhỏ trên địa bàn huyện, tăng số lượng và chất lượng đàn gia súc, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc