Nông thôn mới Mạch nguồn kết nối Hà Giang - Hà Tĩnh
Xuân 2021 - Với những thành tựu quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh trở thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước. Thành tựu này đã tạo mạch nguồn cảm hứng, kết nối NTM Hà Giang với Hà Tĩnh thông qua những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại mảnh đất “địa linh nhân kiệt”…
Hà Giang là mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc và Hà Tĩnh – miền duyên hải Bắc Trung Bộ, khúc ruột miền Trung giữa đôi đầu đất nước. Khởi đầu công cuộc xây dựng NTM, Hà Giang – Hà Tĩnh đều là những địa phương có xuất phát điểm rất thấp, bình quân đạt 3,5 tiêu chí/xã. Sự gian khó còn được bao thế hệ nhà thơ nghẹn lòng khắc họa: “Hà Tĩnh nghèo nước cạn đồng sâu/ Mùa nắng lên trơ mòn gốc rạ/ Những đợt gió Lào khô vàng sỏi đá/ Đất nẻ tứ bề, chằng chịt dấu chân chim”. Nhưng dù “Nắng đốt và mưa chan”, người Hà Tĩnh vẫn “Dựng nên làng nên phố”. Còn Hà Giang: “Ngô chen đá vươn tươi xanh sức sống/ Người chen đá thành sức mạnh vô song/ Cao nguyên đá, đá chồng lên nỗi khổ/ Vững một niềm tin theo Đảng, Bác Hồ”.
Đoàn công tác tỉnh Hà Giang tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng Nông thôn mới tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ảnh: Duy Tuấn |
Vươn lên từ những điều kiện bất thuận bằng nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng sự quan tâm, đầu tư hiệu quả của T.Ư, Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu xây dựng NTM của cả nước. Toàn tỉnh hiện có 157 xã NTM, chiếm 86% tổng số xã; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt hơn, Hà Tĩnh đã và đang xây dựng, triển khai Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025. Đây chính là điều kiện để Hà Tĩnh nâng cao chất lượng, toàn diện và bền vững chương trình MTQG xây dựng NTM. Hơn nữa, còn là cơ hội, động lực cho sự phát triển, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh điển hình trong xây dựng NTM. Tạo cơ sở để T.Ư tổng kết, đánh giá, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về tỉnh đạt chuẩn NTM, áp dụng cho các tỉnh, thành tổ chức thực hiện trong những năm tiếp theo…
Tạo cảnh quan xã Nông thôn mới Hùng An (Bắc Quang). Ảnh: HẢI ANH |
NTM Hà Tĩnh khởi sắc đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các địa phương khác tham quan, học tập kinh nghiệm, trong đó có Hà Giang. Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang, Đỗ Tấn Sơn chia sẻ: Có thể nói, quyết tâm mạnh mẽ, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư chính là then chốt trong xây dựng NTM thành công ở Hà Tĩnh. Hơn nữa, trong tổ chức thực hiện, Hà Tĩnh đã xác định rõ nội dung, lựa chọn công việc, kiên trì tổ chức thực hiện; việc phân công, phân nhiệm rõ ràng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; duy trì phong trào một cách thường xuyên và luôn “giữ lửa” NTM. Đây là kinh nghiệm quý trong công tác lãnh, chỉ đạo để chúng ta học tập.
Đồng bào Tày xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) giữ nghề đan lát truyền thống, tạo sản phẩm du lịch. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Năm 2020, ngoài Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại Hà Tĩnh, một số địa phương như thành phố Hà Giang cũng “Trung tiến” học tập kinh nghiệm xây dựng NTM, đô thị văn minh. Chủ tịch UBND xã Phương Độ, Bùi Đức Định chia sẻ: Qua trò chuyện, chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước sự hài lòng của người dân khu vực nông thôn Hà Tĩnh trong xây dựng NTM. Điều này cho thấy, Hà Tĩnh đã phát huy tốt vai trò của người dân, cộng đồng, hướng đến sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, việc tiếp cận từ đơn vị thôn trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu của Hà Tĩnh chính là giải pháp đưa người dân từ vị trí “khách thể” trở thành “chủ thể” của xây dựng NTM theo phương châm: “Dựa vào dân để lo cho cuộc sống của dân”. Hơn nữa, cách làm này vừa khơi dậy được nguồn lực cộng đồng, vừa tạo ra động lực thi đua, đồng thời nâng cao năng lực và tăng cường vai trò, vị thế, tiếng nói của cộng đồng trong quá trình thực hiện… Đây chính là một trong những kinh nghiệm hay, giúp cấp ủy, chính quyền xã Phương Độ vận dụng linh hoạt trong xây dựng NTM nâng cao tại địa phương.
Sản xuất cam VietGAP giúp người dân xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) nâng cao thu nhập. Ảnh: PHƯƠNG THÙY |
Mang trong mình bộn bề những khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới: Thừa đá, thiếu nước, thiếu đất ở và sản xuất; thời tiết khắc nghiệt; địa hình chia cắt mạnh; trình độ dân trí không đồng đều, lại là địa phương sau cùng kết thúc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư nông thôn, NTM Hà Giang đã có bước phát triển khởi sắc. Đến nay, tỉnh có 41/175 xã NTM, các xã còn lại bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã. Ấn tượng hơn, thành phố Hà Giang trở thành địa phương đầu tiên của miền cực Bắc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nối tiếp kết quả này, tỉnh ta có 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện NTM.
Có thể nói, Chương trình MTQG xây dựng NTM là cơ hội lớn để phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là chương trình trọng tâm thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên hành trình xây dựng NTM, Hà Giang – Hà Tĩnh đã chứng minh sự chủ động, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; phát huy giá trị văn hóa, ý chí, khát vọng, sức mạnh, cốt cách con người trong xây dựng NTM hiệu quả, bền vững.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc