"Đột phá" năng lực sản xuất giống cây dược liệu
Xuân 2018 - Trung tâm Khoa học kỹ thuật (KH- KT) Giống cây trồng Đạo Đức có nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các loại giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp; chuyển giao KH- KT trong sản xuất tới người nông dân và các cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm đã chú trọng nâng cao năng lực sản xuất giống cây dược liệu theo Đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang” đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Các kỹ thuật viên Trung tâm thực hiện đề tài trong phòng thí nghiệm. |
Trên cở sở các nội dung nghiên cứu của đề tài, Trung tâm đã sản xuất được 14 giống dược liệu chất lượng cao bằng phương pháp nhân giống hữu tính, trong đó có các loại cây: Actiso, Ý dĩ, Đương quy, Ngưu tất, Bạch chỉ, Hoàng kỳ, Củ nưa, Cát cánh, Xuyên khung, Huyền sâm, Đỗ trọng, Tam thất, Bạch truật, Đẳng sâm và 8 giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô là Đan sâm, Hà thủ ô đỏ, Bình vôi, Tục đoạn, Kim ngân, Đinh lăng nếp, Ba kích tím và Giảo cổ lam; 1 phương pháp nhân giống cây dược liệu bằng giâm hom. Tất cả các loại cây giống dược liệu do Trung tâm sản xuất bằng các phương pháp trên đã được người dân và các sơ sở sản xuất dược liệu ứng dụng vào thực tế sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng được mục tiêu của đề tài. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Viện Dược liệu, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm cây thuốc Tam Đảo; Trung tâm cây thuốc Sa Pa tạo hệ thống cung cấp giống các loài dược liệu trong toàn quốc, nhằm khai thác tối đa năng lực sản xuất giống của các trung tâm, cung cấp cho người sản xuất dược liệu những cây giống quý, hiếm, đảm bảo chất lượng.
Kiểm tra giống cây dược liệu trong Phòng nuôi cấy mô. |
Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Từ kết quả nghiên cứu thành công quy trình sản xuất, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào của 8 loài: Đan sâm, Hà thủ ô đỏ, Bình vôi, Tục đoạn, Kim ngân, Đinh lăng nếp, Ba kích tím và Giảo cổ lam (là những loài dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Hà Giang; phù hợp với trình độ chăm sóc của người dân và mang lại hiệu quả kinh tế cao); Trung tâm dự kiến phối hợp các công ty, HTX và các hộ trên địa bàn tỉnh có nhu cầu phát triển dược liệu để cung ứng cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm các loại cây dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để đề tài mang lại hiệu quả cao nhất, Trung tâm mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để triển khai phối hợp với các công ty, HTX, các hộ nông dân sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh xây dựng các mô hình trồng cây giống dược liệu đã được sản xuất. Triển khai Mô hình so sánh giống được sản xuất từ hạt và nuôi cấy mô với hình thức Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư, doanh nghiệp (hoặc người dân) thực hiện các khoản đầu tư còn lại và hưởng sản phẩm; Mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao (giống Invitro, kỹ thuật trồng trọt phù hợp) với hình thức Nhà nước chỉ hỗ trợ giống, doanh nghiệp, người dân thực hiện các nội dung còn lại và hưởng sản phẩm. Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất giống bằng phương pháp Ivitro về một số loài dược liệu có thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Gia Bảo
Ý kiến bạn đọc