Tiếp tục đổi mới với tư duy mới, tầm nhìn mới
BHG - Với tư duy và tầm nhìn mới, kế thừa, bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII có nhiều điểm mới về cách tiếp cận; về mục tiêu; về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; về các chủ trương và chính sách lớn. Các văn kiện thể hiện khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với giai đoạn mới của cách mạng.
Với quan điểm xuyên suốt bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Tiếp tục triển khai đồng bộ và gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ, lấy “phát triển kinh tế xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Đại hội lần này từ yêu cầu của sự phát triển phù hợp với thực tiễn, Đảng ta nêu thêm “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội”. Cùng với các mối quan hệ mà Đảng đã đúc rút khi tổng kết 30 năm đổi mới, thì mối quan hệ này là sự bổ sung về lý luận vào sự nghiệp đổi mới, tạo nên một hệ thống các mối quan hệ có tính quy luật với tư duy mới. Đó là: sự nghiệp đổi mới phải nắm vững quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa quy luật thị trường và đảm bảo định hướng XHCN; “quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội” giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; đảm bảo Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ; thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
Tiếp tục đổi mới về tư duy trong việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính trị, giữ vững phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và kiên định mục tiêu chính trị, tiếp tục khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, cũng như thấy rõ những khiếm khuyết cần bổ sung, hoàn thiện để tạo nên động lực mới với ý chí phát triển đất nước thịnh vượng.
Đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển hạ tầng số dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ mới, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung cho nâng cao năng suất và chất lượng lao động, tạo được sức cạnh tranh và tiếp cận với sự phát triển của thế giới.
Hết sức quan tâm đến xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của đất nước và bảo vệ tổ quốc. Tạo lập môi trường xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, năng lực sáng tạo, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng và chế độ, đem hết tài năng, trí tuệ và phẩm chất của con người Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội đi vào chiều sâu, có hiệu quả, bảo đảm an ninh xã hội, an toàn cho mọi người; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức lành mạnh, văn minh. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, nhà nước pháp quyền XHCN, trong sạch vững mạnh. Thực hiện sự phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Đảng và bảo vệ chế độ. Thực hiện tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ với phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền và bối cảnh phức tạp của tình hình trong nước và thế giới hiện nay, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phải trên cơ sở gắn liền với xây dựng nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ của Đảng có phẩm chất đạo đức, năng lực trí tuệ, có lương tâm và liêm chính. Có vậy, thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo mới đủ năng lực và uy tín để phát huy được ý chí, khát vọng, sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu Đại hội XIII đề ra: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN”.
Tự hào với cơ đồ phát triển của đất nước, từ khi có Đảng lãnh đạo đã đánh bại “hai đế quốc to”, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, tiến lên đạt được những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới. Đại hội XIII của Đảng với hành trang đi tới được trên cơ sở phân tích khoa học thực tiễn, nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hoạch định đường lối chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI. Tin tưởng rằng, với tư duy và tầm nhìn mới, trên cơ sở tiềm lực mới, sức mạnh mới, uy tín mới, niềm tin mới, khát vọng mới vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh và điều kiện mới phát triển nhanh và bền vững, theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng nêu ra.
TS. Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc