"Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống"
BHG - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương, bởi theo Người, “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”, “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh quán triệt các quy định, chủ trương của Đảng cho cán bộ, chiến sỹ. |
Có thể khẳng định, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV) có vai trò hết sức quan trọng. Nhìn lại lịch sử của Đảng bộ tỉnh rất quan tâm đến vấn đề nêu gương đối với người đứng đầu. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Tỉnh ủy đã phát động nêu gương với khẩu hiệu “Bí thư ra tay lãnh đạo và phát động chiến dịch tiến quân vào 4 mặt, gồm: Làm phân bón, làm thủy lợi, làm công cụ cải tiến và làm đất kỹ”. Hình ảnh rất nhiều CBĐV, đoàn viên gương mẫu tham gia mở đường giao thông lên phía Bắc, sang phía Tây mấy chục năm trước…; hay lớp lớp thế hệ thầy, cô giáo bám bản, vận động học sinh đến trường, nhường cơm cho học trò; hình ảnh cán bộ, chiến sỹ của tỉnh, huyện tăng cường về xã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con cơ sở cho thấy tinh thần nêu gương ở Hà Giang luôn rất cao và hiệu quả.
Năm 2013, BTV Tỉnh ủy ban hành Quyết định 652-QĐ/TU, về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước. Quy định góp phần tạo ra những hiệu quả tích cực trong phong trào thi đua ở các cấp, các ngành, các địa phương, từ đó xuất hiện nhiều điển hình trong các phong trào.
Ngày 8.3.2019, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Quy định số 16-Qđi/TU, về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, trước hết là ủy viên BTV Tỉnh ủy, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh (Quy định 16). Đây được coi là một trong những nội dung quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo Quy định 16, yêu cầu CBĐV giữ chức vụ càng cao càng phải nêu gương. Việc nêu gương phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời và nhất quán. CBĐV phải mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; nghiêm túc “tự phê bình và phê bình”; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Quy định 16 yêu cầu phải kiên quyết nêu gương trong việc chống tư tưởng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ và trong nhân dân, các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống việc sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí…
Có thể khẳng định, muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì trước hết mỗi CBĐV phải nêu gương. Các tổ chức Đảng chỉ có thể phát huy vai trò lãnh đạo khi còn đủ uy tín với phẩm chất trong sạch, thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh vai trò nêu gương nên ý thức, trách nhiệm của CBĐV trong toàn Đảng bộ tỉnh từng bước được nâng lên; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.
Từ thực tế những năm qua, nhiều CBĐV, người đứng đầu các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nghiêm túc nêu gương. Tiêu biểu như: Vấn đề sử dụng xe công đúng quy định, tiết kiệm đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ các cơ quan, đơn vị; việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, giảm các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch, công khai hòm thư tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được thực hiện ở nhiều nơi; việc CBĐV đóng góp tiền để tổ chức lớp “ươm mầm tương lai” cho trẻ em mồ côi ở huyện Mèo Vạc; việc CBĐV gương mẫu đi đầu chung tay đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, gia đình có công, cựu chiến binh nghèo đang được lan tỏa trong tỉnh hiện nay; hay trường hợp CBĐV một số đơn vị như: Công ty Xổ số, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh…, đã dũng cảm đứng ra tố cáo hành vi vi phạm của lãnh đạo đơn vị, giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời, ngăn chặn những hậu quả có thể lớn hơn… Từ đó cho thấy, nhiều CBĐV đã nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, còn có những hạn chế khi vẫn có những nơi việc thực hiện nêu gương của CBĐV còn hình thức, chưa đi vào thực chất. Còn không ít CBĐV vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt và Điều lệ Đảng… Nhiều vụ việc tiêu cực bị phát hiện trong thời gian qua, điển hình như vụ tiêu cực thi cử năm 2018 đến nay đã bị khởi tố.
Để thực hiện tốt Quy định 16, chúng ta cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để Quy định thấm sâu vào các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cơ sở đảng và đời sống xã hội; từ chính các cấp ủy đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần nêu gương cho CBĐV. Khi triển khai Quy định 16, cần nhận thức sâu và thấm nhuần phương châm: “Có xây, có chống và xây trước, chống sau”, theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực” để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát để Quy định 16 thực sự đi vào cuộc sống, để không chỉ phát hiện những tổ chức đảng, những CBĐV thực hiện chưa tốt Quy định mà còn phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong Đảng, xã hội.
Bài, ảnh: HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc