Nên sớm di dời chợ xã Nậm Ban

09:01, 03/05/2017

BHG - Chợ xã Nậm Ban (Mèo Vạc) hình thành cách đây gần một thập kỷ; chợ được xem là trung tâm giao thương hàng hóa của một số xã giáp ranh giữa huyện Mèo Vạc với huyện Đồng Văn và Yên Minh. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu của người dân ngày một tăng cao, chợ Nậm Ban hiện đang trong tình trạng quá tải. Điều đáng nói, chợ họp ngay ngã ba, đoạn cổng vào UBND, Trạm Y tế và trường học của xã; không chỉ cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Dù đã gần tan chợ nhưng vẫn thấy cảnh lộn xộn giữa xe và người trong phiên chợ được họp ngay cổng vào UBND và Trạm Y tế xã Nậm Ban.
Dù đã gần tan chợ nhưng vẫn thấy cảnh lộn xộn giữa xe và người trong phiên chợ được họp ngay cổng vào UBND và Trạm Y tế xã Nậm Ban.

Theo tìm hiểu, chợ xã Nậm Ban được manh nha hình thành từ năm 2008. Ban đầu, chợ chỉ có vài người dân trong xã tập trung lại thành 1 - 2 gian hàng bày bán các loại nông sản. Tuy nhiên, chỉ từ sáng đến trưa không có người mua thì tan chợ. Để mua sắm các vật dụng thiết yếu phục vụ gia đình, người dân trong xã phải đi vài chục cây số để tới các chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc, chợ Lũng Phìn (Đồng Văn). Trong khi đó, kinh tế các gia đình còn khó khăn; đường sá đi lại vất vả nên chẳng mấy khi có điều kiện đi chợ. Được biết, vào thời điểm đó, nhằm giúp người dân hình thành chợ để giao thương, giảm đi lại cho người dân trong cụm xã, huyện Mèo Vạc có chủ trương mở chợ tại xã Tát Ngà (cách xã Nậm Ban hơn 10 km) nhưng sau một thời gian ngắn, chợ không được duy trì. Theo nhận định của đồng chí Mông Tiến Bộ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban: Việc hình thành chợ phụ thuộc nhiều yếu tố; không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân mà còn chịu ảnh hưởng bởi phong tục của mỗi dân tộc. Theo kinh nghiệm của những người dân sinh sống lâu năm ở Mèo Vạc cho thấy, nơi nào tập trung nhiều đồng bào dân tộc Mông, nơi đó rất dễ hình thành chợ.

Đối với xã Nậm Ban, nơi tập trung nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Mông chiếm số ít. Dù vậy, xã có vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm tiếp giáp với các xã: Lũng Chinh, Sủng Máng, Tát Ngà, Niêm Sơn (Mèo Vạc) và xã Ngọc Long, Mậu Long (Yên Minh). Do đó, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Ban quyết tâm xây dựng chợ để vừa tạo thuận lợi cho người dân trao đổi hàng hóa vừa góp phần thúc đẩy KT – XH ở địa phương. Ban đầu, để duy trì hoạt động của chợ, xã Nậm Ban đã tiến hành in phông ghi tên chợ và cử cán bộ văn hóa xã, Đoàn thanh niên tổ chức hát giao duyên ngay tại chợ. Sau khi người dân mạnh dạn tham gia hoạt động giao lưu, chợ ngày một đông và từ đó đến nay, đã gần chục năm trôi qua, chợ Nậm Ban ngày một nhộn nhịp, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài xã tham gia mua, bán, trao đổi hàng hóa.

Theo ghi nhận của phóng viên, chợ Nậm Ban mỗi phiên chợ có khoảng 350 - 400 lượt người tham gia; chợ họp mỗi tuần một lần; bày bán khá đầy đủ các mặt hàng, từ thực phẩm thiết yếu đến các loại nông cụ phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do chợ họp dưới lòng đường, người dân đi chợ để các phương tiện xe máy, ô tô lộn xộn ngay đường vào cổng Trạm Y tế và UBND xã. Mỗi phiên chợ có gần chục gian hàng cố định theo hộ gia đình sinh sống ngay tại chỗ họp chợ; còn lại chủ yếu là những gian hàng được tiểu thương bán “di động” theo các phiên chợ trên địa bàn lân cận. Anh Lý A Niếm, một chủ cửa hàng tại xã Nậm Ban cho biết: “Do diện tích chợ nhỏ hẹp, lượng người đông nên mỗi lần họp chợ cũng khá bất tiện trong việc kinh doanh; chợ chưa được xây dựng quy củ, người đi chợ thấy chỗ nào tiện lợi là để xe nên không tránh khỏi việc lộn xộn”. Được biết, từ thời điểm hình thành chợ đến nay gần như chưa có hạng mục nào được đầu tư xây dựng; sau mỗi phiên chợ, việc xử lý rác thải gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, chợ được họp ở đoạn ngã ba - tuyến đường huyết mạch nối liền các xã tiếp giáp nên mỗi khi họp chợ, các phương tiện giao thông, nhất là ô tô gặp nhiều trở ngại khi di chuyển qua đoạn đường này.

Trong lộ trình xây dựng NTM, xã Nậm Ban phấn đấu đạt tiêu chí chợ nông thôn. Từ năm 2013, xã đã có quy hoạch chợ ở vị trí mới và có mặt bằng xây dựng, cách chợ hiện tại không xa, có đường ô tô đến tận nơi. Ngoài các hạng mục cần đầu tư xây dựng, chợ xã Nậm Ban nếu di chuyển lên vị trí mới cần có thêm hệ thống dẫn nước hoặc “hồ treo” phục vụ hoạt động kinh doanh tại chợ. Theo nhận định của lãnh đạo xã Nậm Ban, việc xây dựng “hồ treo” sẽ không tốn nhiều kinh phí như một số nơi trên địa bàn huyện; do kết cấu địa chất núi đất nên sẽ dễ dàng trong việc đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên từ khi quy hoạch đến nay, chợ mới vẫn đang là niềm mong mỏi của người dân trong xã.

Nậm Ban được đánh giá là một trong những xã có điều kiện thuận lợi trong phát triển KT – XH. Để phát huy tiềm năng đó, thiết nghĩ các ngành chức năng huyện Mèo Vạc cần có những giải pháp phù hợp; trong đó, sớm di chuyển chợ xã đến vị trí đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, góp phần tạo động lực giúp người dân nâng cao đời sống.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ý kiến người dân: Đề nghị đổi lại tên cầu

BHG - Tuyến Quốc lộ 2 (QL2) thuộc hệ thống Quốc lộ do cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Tại km 8+801m, đường Hà Giang đi Hà Nội (địa điểm tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức) có ,1 cây cầu hiện đang được khai thác sử dụng. Cây cầu này trước đây được xây dựng năm 1929, có tên là cầu LÀNG NÙNG.

31/03/2017
Công viên mini Minh Khai cần được quản lý để sử dụng đúng công năng

BHG - Hệ thống công viên trong đô thị là không gian để mọi người đi dạo, nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, hệ thống vườn hoa, cây xanh của các công viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường...

30/08/2016
Hơn 3 năm, đường đến trung tâm xã Phiêng Luông vẫn chưa hoàn thành (!)

BHG- Những năm qua, hàng ngàn người dân xã Phiêng Luông (Bắc Mê) phải đi trên tuyến đường đá cấp phối lổn nhổn, gồ ghề. Nguyên nhân là do gần 3 km đường tới trung tâm xã được khởi công xây dựng rồi bỏ dở hơn 3 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành.

29/09/2016
Công trình thủy lợi Phai Xoong Hỏ cần sửa chữa, nâng cấp

BHG- Đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn (Quang Bình) được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây hơn chục năm, với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Qua thời gian dài sử dụng, do ảnh hưởng của thiên tai, đến nay,  công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ thuộc 2 thôn Buông và Sơn Nam của xã Hương Sơn. 

25/10/2016