Người dân Bắc Mê mong sớm được tái sản xuất trên sông Gâm

08:19, 21/02/2017

BHG- Sông Gâm chảy qua địa bàn huyện Bắc Mê khoảng 45 km. Từ sau sự cố vỡ bể chứa chất thải ở Nhà máy tuyển nổi chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) CKC tại thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đến nay đã hơn 1 năm, các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Gâm huyện Bắc Mê mới nhận được thông báo lần thứ nhất về tình trạng nguồn nước sông Gâm. Tuy nhiên, việc cho phép các hộ chăn nuôi tiếp tục tái sản xuất thì chưa có văn bản chính thức.

Từ ngày xảy ra sự cố đến nay, gia đình anh Trần Văn Tường, thôn Pắc Sáp, thị trấn Yên Phú  không dám đầu tư nuôi nhiều cá.
Từ ngày xảy ra sự cố đến nay, gia đình anh Trần Văn Tường, thôn Pắc Sáp, thị trấn Yên Phú không dám đầu tư nuôi nhiều cá.

Sau khi sự cố nghiêm trọng xảy ra do vỡ cống xả đáy bể chứa chất thải ở Nhà máy tuyển nổi chì, kẽm của Công ty TNHH CKC tại xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm làm ô nhiễm nguồn nước sông Gâm. Tại thời điểm đó, theo báo cáo của UBND huyện Bắc Mê nước sông Gâm khu vực này bị ô nhiễm, người dân không sử dụng vào sản xuất và sinh hoạt... đồng thời, có một số loài cá tự nhiên chết, trong đó loài cá không có vẩy như: Cá Lăng, Chiên do chết chìm, nên không phát hiện được. Theo đó, sự cố gây thiệt hại đối với 20 hộ dân nuôi cá lồng và chăn thả gia cầm trên sông. 7 trong số 20 hộ đã làm đơn yêu cầu Công ty CKC đền bù thiệt hại, với số lượng thiệt hại lúc đó lên tới 4 tấn cá các loại và trên 100 con gia cầm bị chết. Đến tháng 8.2016, 7 hộ nói trên được Công ty TNHH CKC bồi thường với tổng giá trị trên 200 triệu đồng theo hình thức tính thể tích m3 lồng nuôi cá; đếm số con gia cầm bị chết.

Anh Trần Văn Tường, thôn Pắc Sáp, thị trấn Yên Phú cho biết: Gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi sự cố lên tới hàng trăm kg cá, trong đó chủ yếu là các loại cá như: Chiên, lăng, bỗng... Đã hơn 1 năm nay, gia đình ăn ngủ không yên vì nguồn nước sông Gâm có còn ô nhiễm hay không? Sau khi cá chết, Công ty CKC đền bù được 28,8 triệu đồng. Đến nay, gia đình tôi mới nhận được thông báo về kết quả quan trắc mức độ ô nhiễm về môi trường trên dòng sông Gâm. Tôi đề nghị, các cơ quan chức năng sớm có văn bản cho phép các hộ chăn nuôi như gia đình tôi yên tâm tiếp tục sản xuất và mong muốn nhận được sự hỗ trợ kinh tế cho các hộ chăn nuôi trong thời gian gián đoạn do sự cố gây ra.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Hợp tác xã thương mại, du lịch và Khai thác Thủy sản Thành Tuyên nói: HTX đã duy trì và hoạt động có hiệu quả hơn 10 năm. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thủy sản và khai thác du lịch trên sông Gâm, với lợi nhuận trừ chi phí ước đạt 300 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 16 thành viên với thu nhập trung bình khoảng từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Do sự cố môi trường, từ ngày 5.1.2016 đến nay, Hợp tác xã không có doanh thu và đang có nguy cơ phải giải thể.

Theo báo cáo số 682/BTNMT-TCMT ngày 3.3 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình xử lý sự cố vỡ bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC. “Ban đầu nước sông Gâm bị nhiễm do có một lượng nồng độ kim loại thoát ra môi trường nước nên tạm thời không sử dụng được cho sản xuất và sinh hoạt. Sau một thời gian, nguồn nước sông Gâm bị pha loãng nên nồng độ kim loại đã giảm xuống dưới tiêu chuẩn cho phép”. Có nghĩa là nguồn nước sông Gâm đã sử dụng được vào sản xuất kinh doanh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 18.5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang tiếp tục quan trắc và giám sát môi trường đối với các mẫu nước và trầm tích đáy sông trong thời gian 12 tháng (tháng 7.2017) để kiểm soát môi trường nước sông Gâm... Ngày 29.7, tại cuộc họp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Mê và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC, các bên đã thống nhất để tỉnh Cao Bằng có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc chất lượng nước sông Gâm lưu vực từ điểm xả của nhà máy tuyển nổi chì, kẽm đến địa bàn huyện Bắc Mê trong tháng 8.2016 và sớm tổ chức thông báo mức độ ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của sự cố. Ngày 28.11.2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đã có Công văn số 1184/STNMT-CCBVMT về việc thông báo kết quả phân tích đánh giá chất lượng nước sông Gâm. Qua lấy mẫu lần 3 và lần 4 (ngày 16.5 và 29.9. 2016), Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy mẫu đánh giá chất lượng nước sông Gâm tại khu vực cầu treo thị trấn Yên Phú. Kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép tại quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt.

Trao đổi với phóng viên, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Sau khi có kết quả phân tích, đánh giá chất lượng nước sông Gâm, ngày 6.12.2016, UBND huyện đã có thông báo về chất lượng nước sông Gâm trên địa bàn huyện đã ổn định, các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. UBND huyện đã giao cho các phòng chức năng tiếp tục phối hợp vớ Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc đánh giá chất lượng nước sông Gâm. Đồng thời thông báo kịp thời cho UBND các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn huyện được biết. Đặc biệt là nhân dân các thôn, bản dọc trên dòng sông Gâm và đang nuôi trồng thủy sản trên lòng Hồ thủy điện Tuyên Quang. Ngoài ra, việc hỗ trợ kinh tế cho các hộ chăn nuôi trong thời gian gián đoạn do Công ty TNHH CKC gây ra, đối với đề nghị này của các hộ chăn nuôi nằm ngoài thỏa thuận bồi thường giữa các hộ và Công ty TNHH CKC tỉnh Cao Bằng ký ngày 30.8, UBND huyện sẽ xem xét và đề nghị UBND tỉnh giải quyết.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, bước đầu việc công bố chất lượng chất lượng nước sông Gâm đã có những kết quả khả quan. Trong thời gian tới, rất mong các cấp, các ngành, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện quan trắc môi trường nước sông Gâm theo đúng kế hoạch và sớm thông báo để nhân dân trên địa bàn huyện Bắc Mê yên tâm tái sản xuất.

VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công viên mini Minh Khai cần được quản lý để sử dụng đúng công năng

BHG - Hệ thống công viên trong đô thị là không gian để mọi người đi dạo, nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, hệ thống vườn hoa, cây xanh của các công viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường...

30/08/2016
Hơn 3 năm, đường đến trung tâm xã Phiêng Luông vẫn chưa hoàn thành (!)

BHG- Những năm qua, hàng ngàn người dân xã Phiêng Luông (Bắc Mê) phải đi trên tuyến đường đá cấp phối lổn nhổn, gồ ghề. Nguyên nhân là do gần 3 km đường tới trung tâm xã được khởi công xây dựng rồi bỏ dở hơn 3 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành.

29/09/2016
Hơn 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn bao giờ mới có điện?

BHG- Hơn chục năm nay, với trên 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn (Bắc Mê) vẫn sống trong cảnh thắp sáng bằng đèn dầu, bếp củi. Điện lưới Quốc gia đối với người dân nơi đây là niềm "mơ ước" vẫn chưa thành hiện thực. 

28/07/2016
Công trình thủy lợi Phai Xoong Hỏ cần sửa chữa, nâng cấp

BHG- Đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn (Quang Bình) được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây hơn chục năm, với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Qua thời gian dài sử dụng, do ảnh hưởng của thiên tai, đến nay,  công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ thuộc 2 thôn Buông và Sơn Nam của xã Hương Sơn. 

25/10/2016