Hãy cứu lấy suối Đồng!

08:09, 07/01/2016

BHG- Đó là ý kiến của cử tri và người dân xã Trung Thành (Vị Xuyên) phản ánh về việc Công ty Cổ phần (CP) mangan Lũng Quang xả thải trực tiếp vào suối Đồng gây ô nhiễm nguồn nước suối, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp và cuộc sống, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nhiều diện tích ao cá bị khô cạn do nguồn nước suối bị ô nhiễm.
Nhiều diện tích ao cá bị khô cạn do nguồn nước suối bị ô nhiễm.

Con suối Đồng chảy qua địa phận các thôn: Cuôm, Minh Thành, Trang, Đồng (xã Trung Thành) và đổ ra dòng sông Lô hiền hòa. Trước đây, suối Đồng có dòng nước trong xanh, nhiều đoạn có mực nước sâu tới 3 - 4m, hệ sinh thái phong phú, nơi sinh sống của nhiều loài thủy sinh... Bên cạnh đó, suối Đồng là nguồn cung cấp nước sản xuất cho cánh đồng trồng lúa của 4 thôn kể trên của xã Trung Thành. Để phục vụ nhu cầu của nhân dân, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một đập tràn tại thôn Cuôm để chứa nước, hệ thống kênh mương hơn 1 tỷ đồng để dẫn và cung cấp quanh năm cho các cánh đồng ở đây. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, việc xả thải trực tiếp vào dòng suối từ khi mỏ quặng mangan Lũng Quang đi vào hoạt động đầu năm 2015 đã gây ô nhiễm trầm trọng đến nguồn nước, ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp của người dân. Chất thải bùn, cát do Công ty xả xuống con suối đã làm cho lòng suối bị vùi lấp, nguồn nước bị ô nhiễm chuyển thành màu đỏ không sử dụng vào tưới tiêu, trồng trọt được. Lượng chất thải mà Công ty thải ra trong thời gian dài và ngày càng nhiều đã biến suối Đồng hiền hòa dần trở thành con suối “chết” và đang là nỗi ám ảnh của người dân địa phương.

Diện tích đất trồng lúa của gia đình anh Mai Văn Tường bị chất thải vùi lấp, không thể canh tác.
Diện tích đất trồng lúa của gia đình anh Mai Văn Tường bị chất thải vùi lấp, không thể canh tác.

Anh Trương Ngọc Giáp, Trưởng thôn Cuôm cho biết: Trước đây, con suối nước trong lành, còn phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân, nhưng giờ chạm chân xuống thì thấy chất nhầy bám đầy ở chân và thấy ngứa ngoài da. Nước suối giờ không còn để sản xuất, bùn đỏ với cát lẫn lộn lấp đầy dòng suối. Trồng lúa thì lúa chết, trồng cỏ thì không phát triển. Nhiều lúc quan sát còn thấy váng dầu đen lênh láng nổi trên mặt nước. Trâu, bò cũng không dám tới gần con suối, không may lỡ sảy chân xuống thì khó lên nổi. Nhất là vào mùa mưa, nước trong nguồn đổ về, cuộn bùn đỏ dưới lòng suối thành những dòng bùn đỏ “hung dữ” vùi lấp nhiều diện tích đất trồng trọt của nhiều hộ dân ven bờ suối.

Anh Mai Văn Tường, thôn Cuôm bức xúc: Nhà tôi có 2 mảnh ruộng hơn 3.000m2, trước vẫn trồng lúa rất tốt, năng suất đạt 57 tạ/ha. Thế nhưng từ cuối năm 2014 đến nay, số diện tích này bị bùn đỏ và cát bẩn vùi lấp dày gần 1m, không thể canh tác được nữa. Không chỉ riêng gia đình anh Tường mà nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân thôn Cuôm và các thôn khác đều bị vùi lấp. Chỉ tính riêng thôn Cuôm đã có đến hơn 13 ha diện tích trồng lúa và hoa màu của người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của bùn thải khiến năng suất lúa Mùa bị giảm xuống còn 50 – 52 tạ/ha (những năm trước đạt 56 – 57 tạ/ha) và có hơn 7 ha diện tích đất trồng lúa, hoa màu bị mất trắng. Toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng bị vùi lấp và cô lập hoàn toàn.

Đập tràn dùng để chứa và cung cấp nước sản xuất cho cánh đồng thôn Cuôm bị chất  thải vùi lấp.
Đập tràn dùng để chứa và cung cấp nước sản xuất cho cánh đồng thôn Cuôm bị chất thải vùi lấp.

Bên cạnh đó, bùn thải cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ao, hồ trong thôn. Hiện tại có 7 ao cá của người dân thôn Cuôm bị vùi lấp và không có nước để nuôi cá. Anh Nông Văn Thức chia sẻ: Nhà có ao cá rộng hơn 1 nghìn mét vuông, năm nay thả hơn 1 tạ cá giống, nhưng giờ chết hết rồi. Nguyên nhân là không có nguồn nước để dẫn vào ao. Nguồn nước ở suối Đồng nay cũng không có, nếu có dẫn được về cá cũng không sống được...

Trưởng thôn Cuôm, Trương Ngọc Giáp cho biết thêm: Tình trạng ô nhiễm diễn ra ngày càng nghiêm trọng, người dân thôn Cuôm, thôn Trang, Minh Thành và thôn Đồng đã nhiều lần lên kiến nghị với Công ty CP mangan Lũng Quang. Nhưng hết lần này đến lần khác chỉ nhận được câu trả lời từ phía đại diện của Công ty là “Ban Giám đốc đang bận việc hẹn lần khác...(?)”. Trước thực tế trên, lo lắng cho vụ Xuân khả năng không canh tác được, người dân đã rất bức xúc, thậm chí nhiều người đang đặt ra nghi vấn: Phải chăng Công ty đang trốn tránh trách nhiệm?. Trong khi đó, trao đổi với P.V, ông Mai Công Lập, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Lãnh đạo xã đã nhiều lần làm việc với đại diện phía Công ty CP mangan Lũng Quang và xã cũng đang có kiến nghị lên huyện để có hướng giải quyết...

Nguồn nước suối Đồng được ví như “mạch máu” để duy trì sản xuất nông nghiệp của người dân 4 thôn: Cuôm, Minh Thành, Trang và thôn Đồng. Việc nguồn nước suối bị ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn, gây ảnh hưởng đến sự phát triển KT – XH của địa phương. Trong khi đó, xã Trung Thành vừa mới đạt Chuẩn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM vào tháng 9.2015. Vì vậy, trước thực trạng ô nhiễm trầm trọng của Công ty CP mangan Lũng Quang, đề nghị các cấp, chính quyền, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên để người dân có đất canh tác và ổn định cuộc sống.

NHÓM PV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sẽ nhanh chóng giải quyết đền bù thiệt hại cho người dân

BHG- Sau khi bài viết "Người dân mong được đền bù thiệt hại khi mở tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn" của tác giả Thành Nhân, đăng trên mục "Ý kiến người dân – Cử tri" của Báo Hà Giang điện tử và Báo Hà Giang số 2096 ngày 25.8.2015 

27/08/2015
Người dân mong được đền bù thiệt hại khi mở tuyến đường Cao Bồ – Thượng Sơn

BHG- Thời gian vừa qua, người dân 2 xã Thượng Sơn và Quảng Ngần (Vị Xuyên) đã có kiến nghị, phản ánh về việc trong quá trình thi công tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn đã làm thiệt hại đến hoa màu, cây cối, ruộng, mương nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân tại một số thôn của 2 xã trên. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người dân vẫn đang chờ câu trả lời của ngành chức năng về việc đền bù thiệt hại do mở đường. 

25/08/2015
Đường làm xong, dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng(!)

BHG- Đây là vấn đề xảy ra trên một số công trình đường giao thông tại địa bàn huyện Yên Minh. Điều này khiến người dân nảy sinh nhiều bức xúc và kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết.

23/05/2015
Cần sớm khắc phục sự cố cháy Trạm biến áp thôn Pó Tò và Mo Pải Phìn, xã Sủng Là

BHG- Trạm biến áp cấp điện cho thôn Pó Tò và Mo Pải Phìn, xã Sủng Là (Đồng Văn) do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư; được xây dựng và đóng điện đưa vào vận hành từ tháng 1.2015. Công trình có tổng số tiền đầu tư trên 2,8 tỷ đồng, cấp điện cho 115 hộ dân.

22/07/2015