Những nguyên tắc ít người để ý khi chở trẻ em trên ôtô

14:17, 08/08/2022

Khi đi ôtô, những hành khách nhỏ tuổi có thể buồn chán, hoặc tò mò, hiếu động gây ra những sự việc mà người lớn không thể ngăn kịp.

Ở Việt Nam, trẻ em đi ôtô thường không được ngồi ghế riêng, cũng không thắt dây an toàn. Thậm chí, trẻ có thể tự do đứng lên, nhoài người từ hàng ghế sau lên phía trước, với bên này, nghiêng bên kia. Nếu xe có cửa sổ trời, một số phụ huynh còn cho con em mình thò đầu qua cửa sổ, bất chấp những nguy hiểm tiềm tàng.

Khi ôtô chạy, dù chỉ ở tốc độ chậm cũng đủ dẫn tới những hậu quả khó lường nếu có điều gì xảy ra. Vì thế, để tránh những sơ suất có thể phải trả giá đắt, người lớn nên lưu ý tới những nguyên tắc an toàn mỗi khi chở trẻ nhỏ trên xe.

Ba chốt an toàn cần khóa: Chốt cửa, chốt kính và khoá trẻ em. Tính tò mò của trẻ khiến các bé có thể thử mở bất cứ thứ gì trong tầm tay, tầm mắt. Đơn giản là trẻ có thể hạ kính, thò đầu hay thò tay ra ngoài, thậm chí nhoài người ra ngoài và có thể ngã ra đường như trường hợp mới đây ở Trung Quốc.

Tai nạn xảy ra hôm 30/7 khi một bé gái khoảng 4-5 tuổi thò người ra ngoài cửa sổ của một ôtô dừng đèn đỏ và ngã xuống đường. Nhưng tài xế không hề hay biết và vẫn lái xe đi. Bé gái may mắn được những người qua đường hỗ trợ và chỉ bị vài vết trầy xước.

Trẻ em đi ôtô có thể ngồi ghế riêng tùy độ tuổi và luôn thắt dây an toàn.
Trẻ em đi ôtô có thể ngồi ghế riêng tùy độ tuổi và luôn thắt dây an toàn.

Ngoài ra là những điều cần làm khác, như cho trẻ ngồi ghế riêng và thắt dây an toàn. Với trẻ còn nhỏ, tốt nhất cho trẻ ngồi ghế trẻ em có thiết kế phù hợp, và cài ghế vào chốt an toàn của xe. Với trẻ lớn hơn, cũng cần thắt dây an toàn trong suốt hành trình, tránh việc táy máy, nghịch ngợm.

Trên đường đi, người lớn nên thường xuyên quan sát để đảm bảo trẻ ở đúng chỗ, tránh những rắc rối bất ngờ phát sinh, như tuột dây an toàn, hay chỗ của trẻ bị nắng chiếu vào cũng có thể gây khó chịu, phiền phức. Cũng nên trò chuyện với trẻ, trừ khi trẻ đang ngủ, để hướng sự tập trung của trẻ về phía mình, tránh cho trẻ táy máy vào việc khác.

Trẻ nhỏ đi ôtô tốt nhất nên ngồi ở hàng ghế sau, tránh ngồi ở hàng ghế trước nơi gần với hệ thống điều khiển của xe, bởi sự tò mò có thể khiến trẻ bấm nút này, nghịch nút kia. Trẻ ngồi phía trước cũng có thể bị túi khí đập trúng gây thương tích trong trường hợp xảy ra va chạm. Với trẻ từ khoảng 13 tuổi trở lên, có thể ngồi ở ghế phụ phía trước.

Một số lưu ý khác khi thực hiện một hành trình dài cùng các bé, như dừng nghỉ thường xuyên để trẻ có đôi chút thời gian hoạt động tái tạo năng lượng. Phải ngồi lâu một chỗ dễ khiến trẻ chán nản, mệt mỏi, sinh ra cáu gắt. Nên chuẩn bị sẵn đồ chơi, đồ ăn vặt, nước uống, đồ vệ sinh cá nhân phù hợp nhu cầu của các bé.

Lái xe ở tốc độ vừa phải, tránh đạp thốc ga, phanh gấp, nên lên ga từ từ, giảm ga cũng tương tự như vậy, tránh trẻ bị sốc, dễ lao đầu về trước, sau hoặc gây buồn nôn cho trẻ, tạo nên tâm lý sợ đi ôtô.

Theo VnExpress


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những mẫu ôtô mới chào khách Việt tháng 6

Khách Việt chào đón nhiều mẫu xe giới thiệu trong tháng 6, từ bản nâng cấp cho đến thế hệ mới, từ bình dân đến thể thao.


30/06/2022
Porsche - 'ngựa chiến' Đức dấn thân vào làng đua F1
Thông tin đầu tiên về kế hoạch mua 50% cổ phần ở đội đua Red Bull F1 của hãng Đức được hé lộ, trước khi thông báo vào tháng sau.
29/07/2022
Mẹo bảo dưỡng, đánh bại cái nóng cho ô tô vào mùa hè

Sau đây là một số lời khuyên, mẹo bảo dưỡng ô tô vào mùa hè để giúp ô tô, xe tải hoặc xe thể thao đa dụng của bạn hoạt động trơn tru hơn.


29/06/2022
Honda HR-V, Civic kênh giá 10-30 triệu đồng
Khách hàng mua hai dòng xe nhập khẩu HR-V, Civic được đại lý gợi ý mua thêm phụ kiện mức 10-30 triệu đồng để nhận xe sớm.
28/07/2022