“Ốm, đau hãy chủ động đến cơ sở y tế”

12:47, 23/12/2014

HGĐT- Đó là kinh nghiệm mà bao đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Bắc Quang dành cho nhau. Và đó cũng là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận đồng bào các DTTS: Họ chủ động đến các cơ sở y tế (CSYT) để khám, điều trị bệnh thay cho việc ở nhà, chữa bệnh bằng cách phó mặc sức khỏe của mình vào thầy bói, thầy cúng để trừ tà, “đuổi ma” ra khỏi cơ thể như trước đây.


Từ nhiều thế hệ trước, khi các CSYT chưa đảm bảo đủ về số lượng cùng nhiều nguyên nhân khác như: Điều kiện phát triển KT-XH tại địa phương sinh sống khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế,... nên khi ốm, đau việc đi xem thầy bói để biết nguyên nhân gây bệnh, rồi mời thầy cúng về giải bệnh trở nên phổ biến trong cuộc sống của một bộ phận đồng bào DTTS. Cách “chăm sóc” sức khỏe ấy lâu dần trở thành tập quán cho nhiều thế hệ đồng bào DTTS, để lại những hệ lụy buồn.



Khi ốm đau, đồng bào DTTS (xã Việt Hồng) tự giác đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh.


Về xã Việt Hồng – nơi có tới 95% tổng số dân là đồng bào các DTTS - đã có nhiều câu chuyện trở thành bài học đắt giá để đồng bào đúc rút kinh nghiệm: “Khi ốm, đau đừng mời thầy về cúng”. Đó là câu chuyện của một chị người Dao (xin được giấu tên) ở thôn Hồng Thái. Với hiện tượng thường xuyên ngất xỉu, gia đình đã mời thầy về cúng, trừ “ma nhập” cho chị suốt nhiều ngày nhưng không khỏi. Đến khi chị được đưa đến bệnh viện thì gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân khi biết chị bị suy tim nặng, đã ở giai đoạn không thể cứu chữa... Một trường hợp khác, anh Tẩn Văn Chằm (sinh năm 1982) thường xuyên đau đầu, mất ngủ, sợ hãi hoặc có những hành động thiếu tự chủ như: Đập vỡ bát, ấm chén, gào thét, thậm chí chặn xe, gây cản trở cho các phương tiện lưu thông đoạn qua khu vực gần nhà anh sinh sống. Với những biểu hiện và hành động khó lý giải như trên, gia đình đã mời thầy về cúng cho anh nhiều lần nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Có lần, gia đình phải nhờ thầy làm lễ cúng cho anh suốt 4 ngày liên tục, gây thiệt hại nhiều dê, lợn, gà và rượu. Tổng số tiền chi phí cho thầy bói, thầy cúng lên đến hơn 11 triệu đồng. Cũng trong thời gian đó, được sự phân tích của nhiều người, gia đình chuyển anh Chằm đến CSYT. Tại đây, anh được chẩn đoán rối loạn tâm thần loại phân liệt và được điều trị tại Khoa Tâm thần – Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau đó, anh được Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội (Sở Y tế tỉnh) cấp Sổ điều trị bệnh mãn tính (dành cho bệnh tâm thần phân liệt) để hàng tháng đến Trạm Y tế xã Việt Hồng nhận thuốc về uống hằng ngày. Đến nay, khi bệnh đã cơ bản ổn định, có thể lao động, sinh hoạt bình thường, anh Chằm chia sẻ: Tổng chi phí từ ăn, ở đến khám, điều trị bệnh tại các CSYT hết chưa đến 4 triệu đồng. Mà hơn nữa, được hưởng nhiều chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước với người DTTS nên việc khám, điều trị bệnh của tôi ít tốn kém, nhất là khi mắc bệnh này, tôi được nhận thuốc uống miễn phí. Nghĩ lại mà xót tiền mời thầy cúng quá, “tiền mất, tật mang” mà!. Sau thời gian trên, gia đình tôi từ hộ kinh tế trung bình trở thành hộ cận nghèo. Giờ tôi phải cố gắng cùng vợ phát triển kinh tế để còn nuôi 2 con ăn học nữa...


Khép lại quá khứ trên, nhiều năm trở lại đây, bằng sự quan tâm của chính quyền sở tại, sự nỗ lực tuyên truyền của thế hệ những người làm công tác dân số, cùng hiệu quả thiết thực khi được khám, chữa khỏi bệnh tại các CSYT, đến nay, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Bắc Quang đã tin tưởng vào các bác sĩ nên không còn mời thầy về cúng mỗi khi ốm, đau. Và thầy cúng cũng được “giác ngộ” quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để cùng đồng bào bài trừ hủ tục,... Cùng với đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện Bắc Quang đạt nhiều kết quả tích cực: 87% đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT và được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT; được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại khi đến điều trị tại bệnh viện và 2 Phòng khám Đa khoa khu vực huyện Bắc Quang. Đồng thời, cơ sở vật chất từng bước được xây dựng và nâng cấp. Đến nay, toàn huyện có 21 Trạm y tế, 2 Phòng khám Đa khoa và 1 Bệnh viện Đa khoa khu vực với tổng số 298 giường bệnh. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng với tổng số cán bộ người DTTS là 249/424 cán bộ y tế toàn huyện. Trong đó, số cán bộ là người DTTS có trình độ đại học và sau đại học là 51 cán bộ. Tính đến tháng 9.2014, huyện Bắc Quang đã có 14 xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế, giai đoạn 2011-2020. Và thực hiện luân phiên bác sĩ về cơ sở được 47 lượt... Tất cả những kết quả ấy là minh chứng cho sự nỗ lực của các cấp, ngành trong toàn huyện Bắc Quang cho mục tiêu duy nhất: Đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, nhất là đồng bào các DTTS để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống...


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hơn 9,5 triệu trẻ đã được tiêm vaccine sởi-rubela
Tính đến ngày 25/11, cả nước đã có hơn 9,5 triệu trẻ được tiêm miễn phí trong chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella.
28/11/2014
Đoàn công tác của Bệnh viện Tim Hà Nội làm việc với Sở Y tế Hà Giang và Bệnh viện Đa khoa tỉnh
HGĐT- Ngày 27.11, Đoàn công tác của Bệnh viện Tim Hà Nội do PGS, TS, BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Giang. Tiếp đoàn có Bs CKII Lương Viết Thuần – Giám đốc Sở Y tế cùng Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Yên Minh và lãnh đạo một số phòng ban của Sở Y tế.
28/11/2014
Quản Bạ nỗ lực giảm tỷ lệ sinh con thứ 3
HGĐT- Kết quả rà soát đến hết 10 tháng năm 2014, toàn huyện Quản Bạ có 688 trẻ được sinh ra, trong đó có 118 trẻ là con thứ 3, chiếm 17,15% (giảm 22 trẻ so với năm 2013). Tuy số có giảm nhưng không đáng kể so với con số hiện tại, trong khi đó, chế tài xử lý đối với những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên chưa đủ mạnh, gây không ít khó khăn cho cán bộ làm công tác dân số - kế
25/11/2014
Khoảng 16 triệu người sẽ tránh được ung thư gan nếu được chẩn đoán sớm
Hiện nay, ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư. Trên thế giới hiện có tới hai tỷ người mắc bệnh viêm gam B, thì có khoảng 350 triệu người chuyển sang giai đoạn mãn tính (mạn). Ở Việt Nam số bệnh nhân mắc viêm gan B mạn khoảng 10 đến 16 triệu người.
22/12/2014