Góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 và phòng bệnh rubella cho trẻ

07:43, 04/12/2014

HGĐT- Sởi và rubella là 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Cả 2 bệnh trên đều có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Cùng với cả nước, tỉnh Hà Giang cũng đang triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi. Để hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi – rubella, phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban điều hành chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella tuyến tỉnh.


Phóng viên (PV): Sởi và rubella là 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra, đồng chí có thể cho biết mối nguy hiểm từ 2 loại bệnh trên?


Đồng chí Đặng Văn Huynh:
Sởi là một bệnh rất hay lây trực tiếp qua đường hô hấp do người lành hít phải giọt nước có chứa vi-rút sởi bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi và dễ trở thành dịch lớn.


Bệnh sởi chiếm tỷ lệ khá lớn ở trẻ dưới 10 tuổi và có tỷ lệ tử vong khá cao do biến chứng viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng kéo dài. Nguyên nhân là do số trẻ không được tiêm vac-xin phòng sởi tích lũy dần qua nhiều năm làm số người cảm thụ trong cộng đồng tăng cao và phát triển thành dịch sởi. Bệnh rubella còn gọi là bệnh sởi Đức, cũng là một bệnh rất hay lây trực tiếp qua đường hô hấp do người lành hít phải giọt nước có chứa vi-rút rubella bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi và bệnh rubella có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh rubella ít gây ra những biến chứng trầm trọng hoặc chết người ở người mắc nhưng nếu bệnh xảy ra ở phụ nữ có thai, nhất là thai trong 3 tháng đầu có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển thể chất và trí tuệ, đái tháo đường trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết và đa dị tật bẩm sinh khác. Do đó việc tiêm phòng vắc-xin sởi và rubella cho trẻ em trong độ tuổi 1-14 là cần thiết. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh rubella cho trẻ em, nhất là trẻ em gái là rất quan trọng trong việc làm giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng rubella bẩm sinh.


Để góp phần nâng cao kết quả Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella trong tiêm chủng mở rộng năm 2014 – 2015 cho trẻ em độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, các bà mẹ và gia đình hãy đưa trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm phòng vắc-xin sởi – rubella ở các trạm y tế xã, phường. Vắc xin sởi- rubella là vắc xin có tính an toàn cao. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng trước khi tiêm các bà mẹ hãy cho trẻ ăn no và chủ động thông báo với cán bộ y tế tiêm chủng về tình trạng sức khỏe của con mình nếu trẻ đang bị sốt, đang mắc bất cứ bệnh nào hoặc đã bị phản ứng với lần tiêm chủng trước. Đây là chiến dịch làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi trong tương lai.


P.V: Đồng chí có thể cho biết mục tiêu, mục đích cũng như đối tượng trong Chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella trên địa bàn tỉnh?


Đồng chí Đặng Văn Huynh: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu chung của chiến dịch là giảm tỷ lệ mắc các bệnh sởi, rubella, giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng rubella bẩm sinh, góp phần cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của dự án tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, mục tiêu chiến dịch của tỉnh là đạt trên 95% trẻ từ 1 - 14 tuổi được tiêm vắc xin mở rộng trong chiến dịch; đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Mục đích là chủ động tạo nền tảng miễn dịch rộng lớn trong cộng đồng, lấp các lỗ hổng miễn dịch ở nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất trẻ 1 – 14 tuổi; tạo cơ sở bền vững để giảm nhanh và mạnh tỷ lệ mắc/chết bệnh sởi, bệnh rubella, hội chứng rubella bẩm sinh, tiến tới loại trừ 2 bệnh nguy hiểm này trong thời gian tới.


Đối tượng tiêm vắc xin trong chiến dịch lần này là trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên toàn tỉnh. Các em sẽ được tiêm một mũi vắc xin sởi -rubella, không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin sởi, hoặc vắc xin sởi - rubella hoặc vắc xin sởi - quai bị - rubella trước đó. Ngoại trừ số trẻ đã được tiêm 3 loại vắc xin trên trước đó một tháng. Theo dự kiến, số trẻ tiêm vắc xin sởi - rubella toàn tỉnh khoảng trên 200.000 trẻ. Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh ở 11 huyện, thành phố; 195 xã, phường, thị trấn với trên 2.000 thôn bản. Thời gian từ tháng 7.2014 đến tháng 1.2015, chia thành 3 đợt; đợt 1 tiêm trong tháng 10 gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; đợt 2 tiêm trong tháng 11 gồm các huyện, thành phố là Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang; đợt 3 tiêm trong tháng 12 gồm các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê.


P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella trên địa bàn tỉnh thời gian qua và phương hướng thời gian tới?


Đồng chí Đặng Văn Huynh: Có thể nói, cho đến thời điểm này, tỉnh Hà Giang đã triển khai chiến dịch đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo an toàn tiêm chủng (hiện nay đã tổ chức tiêm xong đợt 2). Có được kết quả đó là do tỉnh đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị; thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành chiến dịch các tuyến; lập kế hoạch chiến dịch; tổ chức hội nghị tập huấn, điều tra đối tượng; truyền thông, giám sát đầy đủ; tiếp nhận vắc xin, vật tư chiến dịch. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai chiến dịch cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn phải bố trí nhiều điểm tiêm chủng, do vậy phải huy động một nguồn nhân lực lớn cho chiến dịch. Mặt khác, một số trẻ vùng sâu, vùng xa theo bố mẹ đi làm ăn ở Trung Quốc vắng mặt tại địa phương hoặc không đăng ký khai sinh gây khó khăn cho điều tra đối tượng. Phản ứng dây truyền do sợ tiêm (chủ yếu là tiêm tại các trường học ở độ tuổi 11 – 14 tuổi) và đặc biệt thông tin về phản ứng sau tiêm chủng trên hệ thống thông tin đại chúng không những gây áp lực tâm lý lo lắng cho các bậc cha mẹ khi đưa con đi tiêm chủng... Để tiếp tục triển khai tốt chiến dịch trong thời gian tới, ngành Y tế đã và đang triển khai các hoạt động như phối hợp với nhà trường, tổ chức các điểm tiêm chủng hợp lý, trong đó bố trí phòng chờ trước tiêm, khám sàng lọc thực hiện tiêm chủng và theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo quy định để hạn chế tối đa tâm lý lan truyền đối với các cháu; phối hợp với nhà trường hướng dẫn các bậc phụ huynh, giáo viên đảm bảo cho trẻ ăn no trước khi đi học hoặc trước tiêm chủng 30 phút để tránh bị đói, hạ đường huyết. Ngoài ra, khi tiêm chủng cần tạo môi trường thân thiện nhằm thu hút sự chú ý của trẻ để giảm tâm lý lo sợ, căng thẳng khi tiêm. Đặc biệt, chỉ đạo các huyện tiêm đợt cuối gồm Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê rà soát tiến độ triển khai chiến dịch tại địa phương, đồng thời bám sát diễn biến của thời tiết để tiếp tục hoàn thiện kế hoạch và triển khai tiêm trong tháng 12.


PV: Xin cảm ơn đồng chí !


PV (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quang Bình: Nỗ lực tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS
HGĐT- Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn, việc lây truyền căn bệnh này. Những năm qua, huyện Quang Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
29/10/2014
Triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 1 năm Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone
HGĐT- Ngày 29.10, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống TPTNXH & phong trào toàn dân BVANTQ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 1 năm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Dự hội nghị có đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế, Phó BCĐ, các ngành thành viên BCĐ…
29/10/2014
10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm
HGĐT- Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 người mắc; trong đó, 7 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc chủ yếu là do độc tố tự nhiên, đặc biệt là ngộ độc do ăn phải quả rừng và bánh ngô bị mốc...
29/10/2014
Đoàn công tác của Bệnh viện Tim Hà Nội làm việc với Sở Y tế Hà Giang và Bệnh viện Đa khoa tỉnh
HGĐT- Ngày 27.11, Đoàn công tác của Bệnh viện Tim Hà Nội do PGS, TS, BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Giang. Tiếp đoàn có Bs CKII Lương Viết Thuần – Giám đốc Sở Y tế cùng Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Yên Minh và lãnh đạo một số phòng ban của Sở Y tế.
28/11/2014