Lời giải cho thị trường thực phẩm chức năng

07:43, 02/12/2013

Thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ tại thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây với hàng chục ngàn sản phẩm đã và đang được lưu hành. Điều này đặt ra bài toán là làm sao vừa có thể quản lý tốt, lại vừa tạo điều kiện cho những TPCN chất lượng đến được tay người tiêu dùng.


Thị trường TPCN: Bùng nổ!

Tại hội thảo “Thực phẩm chức năng: vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng” tổ chức ngày 30/11 tại TP.HCM, TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, thị trường TPCN đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam trong 12 năm trở lại đây. Hiện có 10.000 sản phẩm được công bố, lưu hành trong đó 40% sản phẩm nhập khẩu. Tính đến năm 2012 trong nước có khoảng 18.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất TPCN. Các mặt hàng TPCN lưu hành trên thị trường với rất nhiều kênh phân phối.

Điều đó cho thấy đây là một thị trường rộng mở và nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển và khai thác. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ nên về mặt quản lý, các văn bản quản lý liên tục được xây dựng, sửa đổi và bổ sung qua các thời kỳ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội thảo cho biết, trong 10 năm qua, Bộ Y tế đã ban hành ít nhất 5 văn bản để quản lý TPCN nhằm làm sao vừa có thể quản lý tốt, lại vừa tạo điều kiện cho những TPCN chất lượng đến được tay người tiêu dùng. Bộ trưởng khẳng định, trong thời điểm hiện tại, nước ta hoàn toàn có khả năng phát triển thị trường TPCN mạnh mẽ hơn bởi nguồn dược liệu trong nước rất phong phú. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã có nhiều nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP nên đủ khả năng sản xuất các dược phẩm cũng như TPCN chất lượng cao phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước (cũng như xuất khẩu) để giúp người dân nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trên thực tế vẫn còn có những phản ứng trái chiều về TPCN. Việc “thần thánh hóa” hay tẩy chay TPCN đều là những quan niệm chưa đúng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có việc những nhà sản xuất, phân phối quảng cáo quá “lố”, không đúng chuyên môn được cấp phép và một số nơi lại sản xuất, nhập lậu những loại TPCN giả, kém chất lượng.

Do vậy, song song với việc nghiên cứu, sản xuất thì công tác giám sát, quản lý cần phải được triển khai, tổ chức chặt chẽ hơn nữa nhằm tạo hướng đi đúng cho thị trường TPCN.

“Kê đơn” TPCN: Cần bảo vệ quyền và lợi ích người bệnh!

Cấm hay không cấm “kê đơn” TPCN là một trong những vấn đề được tranh luận sôi nổi tại hội thảo và những trao đổi bên lề. Theo ý kiến các chuyên gia y tế đầu ngành, kê đơn với TPCN tại nước ta là điều còn mới mẻ và cần được bàn bạc kỹ. Thực tế ở các nước EU trước đây không cho ghi bất kỳ tác dụng nào trên nhãn nhưng bác sĩ (BS) được kê đơn, hướng dẫn. Gần đây là Hà Lan, Thuỵ Điển đã thay đổi quan điểm. Một số nước cho ghi tác dụng trên nhãn nhưng bác sĩ không kê đơn, trong đó có Việt Nam.

Lời giải cho thị trường thực phẩm chức năng

Lực lượng chức năng kiểm tra một lô hàng thực phẩm chức năng. Ảnh: A. Minh

Theo PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học: “Việt Nam cho phép ghi nhãn hướng dẫn sử dụng cụ thể (về công dụng, đối tượng sử dụng) nhưng doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc cấm bác sĩ kê đơn TPCN trong đơn thuốc một phần đã làm cho việc sử dụng TPCN chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng, thậm chí có cả kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế như kênh bán hàng đa cấp chẳng hạn. Như vậy, vấn đề đặt ra là có nên cho phép kê đơn TPCN hay không?”.

Việc chưa cho bác sĩ “kê đơn” TPCN trong đơn thuốc, điều này đúng ở khía cạnh quản lý bởi TPCN không phải là thuốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đề xuất có thể cho phép BS được “kê” TPCN ở sổ y bạ hoặc đơn phụ. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về dự phòng, điều trị, dược học... cũng đề xuất cần có quy định cho phép những người có chuyên môn như BS, nhân viên y tế tư vấn cho người bệnh, người tiêu dùng về sử dụng đúng TPCN hay các loại TPCN phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý.

Việc cho phép “kê đơn” hay tư vấn sử dụng của bác sĩ cần được xem xét kỹ, bàn thảo thêm trước khi có những quyết định cụ thể. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là phải giúp người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp cận các loại TPCN đảm bảo chất lượng, tác dụng tốt cho sức khỏe. Đồng thời hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN bảo đảm chất lượng, tác dụng tốt, giá thành hạ, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ Y tế yêu cầu tổng kiểm tra các thẩm mỹ viện
Sau vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành thanh kiểm tra tất cả cơ sở hành nghề thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
31/10/2013
Hà Giang công bố dịch Sởi tại huyện Bắc Mê
HGĐT - Sáng 31.10, UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định số 2489/QĐ-UBND công bố dịch Sởi tại huyện Bắc Mê.
31/10/2013
Bệnh viện Đa khoa tỉnh ứng dụng một số kỹ thuật xét nghiệm mới
HGĐT- Trong những năm vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt là ứng dụng một số kỹ thuật xét nghiệm mới như: Định lượng sắt huyết thanh, định lượng Beta HCG (Ung thư tinh hoàn, nhau thai, có thai...) và xét nghiệm prostate-Specific Antigen (PSA
30/10/2013
Phương pháp mới điều trị sốt rét
Các nhà khoa học ngày 27/11 công bố trên tạp chí Tự nhiên (Nature) rằng họ đã xác định được một loại enzyme mới của ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn đối với căn bệnh nguy hiểm này.
29/11/2013